Thách thức xây dựng thành phố thông minh

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ hai, ngày 03/12/2018 14:26 GMT+7

VTV.vn - Với công nghệ hiện đại ngày nay, việc tạo dựng một thành phố thông minh vẫn gặp phải nhiều thách thức lớn.

Chính phủ Nhật Bản mới đây đã công bố sẽ phát triển một "siêu thành phố công nghệ" và sẽ mời người dân tới đây sinh sống. Đây cũng là một trong những động thái của Chính phủ Nhật nhằm đẩy nhanh việc phát triển các thành phố thông minh. Có thể thấy, một cuộc cách mạng thành phố thông minh đang được tiến hành nhanh chóng trong thời gian gần đây. Từ Paris đến thành phố Mexico, từ Thâm Quyến đến các đô thị ở Arab Saudi và Estonia.

Tại sao việc phát triển thành phố thông minh lại được quan tâm hơn bao giờ hết? Câu trả lời là bởi: Chỉ khoảng 10 năm nữa, 2/3 dân số trên thế giới sẽ tập trung sống tại các đô thị. Chính vì vậy, quốc gia nào trên thế giới cũng phải xem xét nâng cấp cơ sở hạ tầng, sử dụng công nghệ mới, biến các thành phố hiện nay thành thành phố thông minh thì người dân mới có thể tiếp tục sinh sống bền vững được.

Thế nào là thành phố thông minh?

Thành phố thông minh bao gồm một chuỗi các công nghệ liên kết với nhau, nhằm tối ưu hóa nguồn lực, đem lại tiện ích hiệu quả nhất dành cho người dân. Các con đường được coi là mạch máu, mỗi cột đèn đều là một cảm biến, gửi và nhận thông tin. 

Ví dụ, nếu có tai nạn giao thông, camera sẽ tự động phát đi tín hiệu khẩn cấp về trung tâm theo dõi và xe cứu thương sẽ được điều động ngay. Song sóng với đó, cảnh báo nguy hiểm và đèn giao thông cũng sẽ được điều chỉnh ở các tuyến đường liên quan, tránh tình trạng tắc nghẽn giao thông. 

Thành phố thông minh là bức tranh ghép của những cột đèn thông minh, camera, cảm biến, các tuyến phố được kết nối với nhau bằng mạng Wifi hoặc trong tương lai sẽ là mạng Lifi với tốc độ nhanh gấp cả trăm lần.

Quy mô các dự án thành phố thông minh trên thế giới

Với hơn 200 dự án đang được đầu tư phát triển, thành phố thông minh đang thực sự trở thành một xu hướng phát triển trên thế giới. Trong đó châu Âu và châu Á - Thái Bình Dương đang là những khu vực đi đầu. 84 dự án thành phố thông minh ở châu Âu tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực tối ưu hóa năng lượng và kết nối các phương tiện vận tải thông minh. Trong khi đó, 74 dự án ở châu Á - Thái Bình Dương lại chú trọng vào lĩnh vực số hóa hệ thống quản lý của chính phủ và thử nghiệm trên quy mô các khu đô thị thông minh.

Thành phố thông minh không chỉ giúp tối ưu hóa các hoạt động của thành phố như giao thông, quản lý chất thải và bảo mật thông tin mà còn có thể nâng cao đời sống của người dân trên mọi mặt. Thế nhưng, để xây dựng một thành phố thông minh kiểu mẫu không hề là điều dễ dàng. 

Thách thức xây dựng thành phố thông minh 

Thách thức lớn nhất mà thành phố thông minh phải đối mặt đó là về an ninh mạng. Tất cả mọi thiết bị đều kết nối mạng, điều đó đồng nghĩa với việc mọi thiết bị đều có thể bị các hacker tấn công. Chẳng hạn như hệ thống điện của toàn thành phố, nếu bị tấn công sẽ có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Lúc đó đèn giao thông không hoạt động, các phương tiện tự lái sẽ mất kiểm soát, gây nguy hiểm tới tính mạng của con người.

Thách thức tiếp theo chính là kinh phí trong việc xây dựng một thành phố thông minh. Không chỉ đơn giản là đầu tư về mặt công nghệ, thành phố còn phải đầu tư cả vào cở sở hạ tầng để thích ứng với những công nghệ hiện đại như hệ thống tự động hóa cho ngôi nhà thông minh hay các hệ thống quản lý giao thông thông minh. Những hệ thống này phải được kết nối đến cơ quan chức năng để giám sát, duy trì và cập nhật liên tục.

Nhiều thách thức nhưng các quốc gia cũng không thể chậm trễ trong việc phát triển và xây dựng các thành phố thông minh, bởi quá trình đô thị hóa sẽ khiến cho các thành phố hiện nay không thể ở được chỉ trong một thời gian ngắn nữa.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước