Vỏ hộp sữa giấy tưởng chừng vô hại nhưng lớp kẽm tráng bên trong lại rất khó phân hủy. Vì vậy, nó được xem là rác chết. Lực lượng thanh niên xung phong ở quận Thủ Đức, TP.HCM đã triển khai thu gom và xử lý loại rác chết này trong 6 tháng qua. Kết quả, 1,5 triệu vỏ hộp sữa được thu gom và ngày càng thu hút nhiều đối tượng tham gia.
Mỗi khi chị Mai (quận Thủ Đức, TP.HCM) và người nhà uống sữa, chị gom vỏ lại, cắt đầu vỏ ra rồi rửa sạch, xếp vào hộp, đóng gói cẩn thận. Đến cuối tuần, chị mang đến điểm tập trung để giao.
Đoàn thanh niên quận Thủ Đức cho biết, có trên 1.000 thanh niên ở quận đăng ký thu gom, vệ sinh vỏ hộp sữa từ gia đình mình để mang đi tái chế.
Vỏ hộp sữa được xếp cẩn thận trong các thùng carton để mang đi tái chế và cho ra các sản phẩm hữu ích trong cuộc sống. Nếu những vỏ hộp sữa này bị thải ra môi trường thì có thể 50 năm, 60 năm, thậm chí là 100 năm mới có thể phân hủy được. Khi đó, độc tố từ vỏ hộp sữa có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe con người.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!