Thi tốt nghiệp THPT: Mỗi bài thi tổ hợp khi chấm chỉ cho ra một đầu điểm duy nhất

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ năm, ngày 23/04/2020 19:25 GMT+7

VTV.vn - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT cho biết, mỗi bài thi tổng hợp được chấm chỉ với 1 đầu điểm, không có điểm các môn thành phần như trước đây.

Theo phương án đã được thủ tướng chấp thuận, kỳ thi tốt nghiệp năm nay của học sinh lớp 12 có điểm gì đáng chú ý?

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT: Trong bối cảnh dịch COVID-19, Bộ GD-ĐT đã báo cáo Chính phủ và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý phương án tổ chức kỳ thi THPT năm 2020. Mục đích của kỳ thi tốt nghiệp THPT làm căn cứ, cơ sở dữ liệu để phân tích, đánh giá chất lượng giáo dục trong các nhà trường để từ đó điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học. Mục tiêu kỳ thi này được tổ chức an toàn, nghiêm túc, công bằng. Nếu đạt được mục tiêu đó, cũng sẽ có các cơ sở giáo dục ĐH xem xét để có thể sử dụng vào mục đích tuyển sinh của mình.

Trong khâu tổ chức, Bộ GD-ĐT đóng vai trò chỉ đạo, ban hành các quy chế, hướng dẫn, cung cấp các phần mềm chấm thi, phần mềm quản lý thi, tiến hành thanh tra, giám sát. Các địa phương là đơn vị chủ trì, chịu trách nhiệm toàn bộ trong việc tổ chức kỳ thi này từ khâu coi thi, chấm thi, công bố kết quả thi và xét công nhận tốt nghiệp.

Điều học sinh quan tâm nhất lúc này là kỳ thi này gồm những môn gì? Nội dung các môn thi đó như thế nào? Đề thi có đảm bảo tính phân hóa?

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT: Trong kỳ thi này sẽ gồm 3 bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ Văn và Ngoại ngữ và bài thi tự chọn là bài thi Khoa học tự nhiên hoặc bài thi Khoa học xã hội. Điểm khác biệt so với mọi năm đó là bài thi Khoa học tự nhiên và bài thi Khoa học xã hội sẽ là nhóm các câu hỏi của các môn nhưng khi chấm chỉ đưa về một đầu điểm duy nhất chứ không tách ra các điểm thành phần như trước đây.

Về nội dung đề thi sẽ nằm trong chương trình giáo dục phổ thông, chủ yếu lớp 12 và bám rất sát nội dung tinh giản Bộ GD-ĐT đã công bố, bám sát mục tiêu đánh giá chuẩn đầu ra của bậc THPT. Tuy nhiên, với mọi đề thi sẽ có độ phân hóa để phân loại được mức đáp ứng chuẩn đầu ra của nhóm học sinh khác nhau.

Một điều dư luận băn khoăn đó là việc tổ chức kỳ thi tại địa phương có thể xảy ra gian lận. Vậy Bộ GD-ĐT có những phương án như thế nào để đảm bảo tính minh bạch?

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT: Trong mọi kỳ thi nhất là kỳ thi tốt nghiệp THPT trong toàn quốc thì yêu cầu về an toàn, nghiêm túc luôn luôn là yêu cầu cao nhất. Sẽ có thanh tra của Bộ, thanh tra Sở GD-ĐT, thanh tra của tỉnh. Bên cạnh đó sẽ có những giải pháp về mặt thiết bị kỹ thuật như thiết bị giám sát, những dữ liệu gốc. dữ liệu trung gian trong quá trình chấm thi trắc nghiệm sẽ được gửi về Bộ GD-ĐT. Trong trường hợp cần thiết, sẽ chấm so sánh với việc chấm ở địa phương để đảm bảo ngăn ngừa, phát hiện kịp thời, xử lý gian lận nếu có.

Tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ công bố đề thi tham khảo cho kỳ thi năm nay. Trên cơ sở đó, nhà trường, học sinh có căn cứ để định hướng cho việc dạy học và ôn tập.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Thi tốt nghiệp THPT: Đổi tên nhưng không đổi chất lượng Thi tốt nghiệp THPT: Đổi tên nhưng không đổi chất lượng

VTV.vn - Kỳ thi THPT vẫn được tổ chức nhưng với mục đích chính là để công nhận tốt nghiệp cho học sinh lớp 12, còn việc tuyển sinh đại học sẽ do các trường tự chủ.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước