Người được nhân viên gọi là "ông ấy", hay lịch sự hơn là "thầy ấy" là Vũ Đức Dũng. Tự nhận có thành tích học tập bình thường, thi trượt đại học 2 lần, Dũng khẳng định mình là CEO của Dfree, có bí quyết giúp hàng nghìn người thay đổi cuộc sống qua khóa học giải pháp việc làm. Nổi tiếng đến mức tất cả các học viên mới của công ty này đều phải tìm hiểu về Dũng qua các sách báo , chụp ảnh, kết bạn Facebook, thậm chí là viết lời cảm ơn công ty gắn với tên tuổi Vũ Đức Dũng.
Bước tiếp theo là ký các loại hợp đồng đào tạo với mức học phí từ 5 triệu đồng đến hàng chục triệu đồng. Nếu không có tiền thanh toán cũng không sao, có thể chuyển luôn sang bước sau là ký hợp đồng hợp tác kinh doanh, để vừa học vừa đi bán hàng rong trả học phí. 5 năm đi làm không lương, sau đó sẽ được hưởng 49% lợi nhuận. Nếu tiết lộ thông tin hợp đồng cho người có thẩm quyền hoặc vi phạm hợp đồng sẽ bị phạt 100 triệu đồng.
Theo luật sư Nguyễn Thế Truyền, những điều khoản trên hết sức vô lí và khó có thể chấp nhận , thế nhưng khi các bạn sinh viên đã đặt bút, ký tên thì coi như "cá đã nằm trong rọ".
Tháng 7 năm 2016, công ty Dfree đã bị TW đoàn TNCS Hồ Chí Minh tuýt còi vì hành vi lợi dụng danh nghĩa đoàn thanh niên, tổ chức quyên góp chương trình thắp nến tri ân nhằm trục lợi bất chính. Không dừng lại ở đó, công ty này liên tục mở ra các khóa đào tạo kỹ năng, nhưng thực chất là một hình thức kinh doanh đa cấp nhằm bóc lột sức lao động của các sinh viên trẻ. Lứa trước tỉnh ngộ ra thì lứa sau lại mắc bẫy, giấc mơ khởi nghiệp giàu sang được thầy vẽ ra vẫn đeo bám cùng các sinh viên trẻ trên khắp các ngả đường bán rong.
Sự việc này sẽ còn đi đến đâu, xin mời quý vị tiếp tục theo dõi phóng sự tiếp theo trong chương trình Chuyển động 24h ngày mai (10/3).
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!