Để thâm nhập vào thị trường dịch vụ giao đồ ăn vốn đã chật chội với những tên tuổi lớn ở Singapore, các startup ở quốc đảo này đã và đang chọn lối đi riêng, đó là giao đồ ăn từ những quán hàng rong.
Theo Channel News Asia, việc không thu hoa hồng trên mỗi đơn hàng là lời giải cho những startup khởi nghiệp khi muốn bước chân vào một thị trường ngách chưa hề có sự cạnh trạnh trong thị trường giao đồ ăn vốn khốc liệt tại Singapore.
3 cái tên đi đầu cho làn sóng này đó là Fastbee, Yihawker và Porterfetch. Trong khi Fastbee nhắm đến khách hàng là công, nhân viên ở các cao ốc văn phòng, khu công nghiệp phía Tây thì startup Yihawker gia tăng sự hiện diện ở khu vực phía Đông. Còn Porterfetch lại chọn cách phục vụ khác biệt, đó là chỉ giao đồ ăn trong khoảng 21h hôm trước đến 3h hôm sau.
Trang Tech in Asia đánh giá, Fastbee dường như đang là startup đang nổi bật nhất. Người sáng lập công ty này thậm chí đã nảy ra ý tưởng thiết kế máy giao đồ ăn tự động cho khách hàng đặt gần khu vực của họ. Người nhận chỉ cần nhập số điện thoại của mình là lấy ra được ngay phần ăn đã đặt, rất tiện ích và nhanh chóng. Hiện đã có 8 máy giao đồ ăn như vậy được triển khai trên thực tế.
Tuy nhiên, tờ Channel News Asia đặt ra câu hỏi là khi không thu hoa hồng trên mỗi đơn hàng giao, các startup giao đồ ăn này làm sao có thể trụ vững chứ chưa nói tới việc cạnh tranh với nhau.
Câu trả lời nằm ở mức phí giao đồ ăn tính trên từng thực khách. Mức phí này được cố định ở 1,5 SGD đối với Fastbee hoặc tính theo quãng đường, thường ở mức từ 4,5-5 SGD đối với Yihawker và Porterfetch.
Với nguồn thu chỉ dựa vào 1,5 SGD, Fastbee buộc phải nghĩ tới việc gộp các đơn hàng để tiết kiệm chi phí thuê nhân viên giao hàng. Theo đó, startup này chỉ đến một khu phố ẩm thực liên kết để lấy đồ ăn sao cho thật nhiều đơn hàng cùng một lú, rồi chuyển chúng đến máy giao đồ ăn tự động của mình. Với cách này, công ty đã tiết kiệm tối đa chi phí thuê nhân viên giao hàng.
Hiện Porterfetch đã nhận được 8.000 đơn hàng qua trang web của công ty một tháng. Còn Fastbee, dù mới thành lập chỉ 3 tháng nhưng cũng đã tăng tốc với 700 đơn hàng mỗi tuần.
Rõ ràng, khi cầu và cung gặp nhau thì đồng tiền sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên. Các startup giao đồ ăn tại Singapore đang khá thành công với hướng đi mới này.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!