Hàng nghìn người Indonesia vẫn ở lại lán trạn 2 tuần sau khi động đất xảy ra tại quần đảo Maluku. Họ không dám về nhà bởi có tin giả rằng một thảm họa thiên nhiên khủng khiếp sẽ diễn ra.
"Tin hay không thì tùy bạn nhưng Ambon sẽ chìm trong vài ngày tới. Tôi đã cảnh báo với người thân của mình về việc này"… là một tin nhắn được lan truyền trên ứng dụng tin nhắn WhatsApp. Không có bằng chứng, không từ báo đài chính thống và cũng không phải là phát ngôn của giới chức địa phương, nhưng những tin nhắn đe dọa về một trận động đất gây sóng thần sắp xảy ra như thế vẫn xuất hiện nhan nhản.
Người phát ngôn Cơ quan Giảm nhẹ Thảm họa quốc gia – ông Agus Wibowo - cho biết tin giả khiến tình hình trở nên tồi tệ. Theo ông Wibowo, nhiều trường hợp mặc dù nhà cửa vẫn còn nguyên vẹn nhưng họ lại không trở về ở bất chấp chính quyền đã ra sức thuyết phục rằng tình hình đã an toàn.
Chính quyền tỉnh Maluku đã ban bố tình trạng khẩn cấp đến tận ngày 9/10, sau khi khu vực này phải chịu hơn 1.000 dư chấn sau động đất. Nhưng với những đợt sóng ngầm tin giả, giới chức sẽ còn thêm phần vất vả trấn an người dân, bên cạnh việc khắc phục hậu quả của động đất.
Những sự vụ như thế này không hiếm. Cách đây 1 năm, cũng chính tại Indonesia, tin giả đã gây ra cả một sự hỗn loạn ngay trong thời điểm nước này đang phải khắc phục hậu quả của thảm họa kép động đất, sóng thần. Nhiều đối tượng đã lên mạng lan truyền những tin giả như sắp có trận động đất mạnh hơn hay vỡ đập khiến người dân hoang mang, bỏ đi sơ tán. Một số người còn dùng hình ảnh và video giả mạo để làm tăng độ nghiêm trọng của sự việc.
Tin giả - Vấn nạn tại nhiều quốc gia VTV.vn - Do sự quản lý lỏng lẻo của các mạng xã hội, tin giả xuất hiện ngày càng nhiều và đang trở thành một vấn nạn không chỉ của Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia trên thế giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!