Từ bằng cấp, chứng minh nhân dân, giấy tờ xe đến sổ hộ khẩu, sổ hồng hay thậm chí là giấy đăng ký kết hôn hiện nay đều có thể được làm giả. Điều này ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự xã hội, tạo tâm lý lo lắng, bất an với cơ quan chứng thực, doanh nghiệp và người dân. Tác động tiêu cực đến việc bảo đảm an toàn pháp lý trong giao dịch, giải quyết thủ tục hành chính.
Để hạn chế tình trạng trên, các phòng công chứng tại TP.HCM đã mời chuyên gia giám định hình sự tập huấn, hướng dẫn cụ thể cách nhận biết giấy tờ giả, các kỹ thuật in ấn từng loại tài liệu. Không những thế, các phòng công chứng còn mời nhân viên các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp bất động sản đến phân biệt giấy tờ giả.
Tại TP.HCM hiện có trên 20% phòng công chứng lắp đặt thiết bị công nghệ cao để soi chiếu các loại giấy tờ giả. Tuy nhiên, ông Trần Quốc Cảnh - nguyên Giám định viên Viện khoa học hình sự - cho rằng các vụ việc chứng thực từ giấy tờ giả chưa được các cơ quan chức năng giải quyết triệt để, nhiều vụ việc tranh chấp kéo dài và không xác định rõ trách nhiệm bồi thường của công chứng viên. Do đó, vẫn còn tình trạng công chứng chủ quan, không kiểm tra kỹ hồ sơ.
Hiện nay, giải pháp khá hiệu quả để ngăn chặn nạn giấy tờ giả là công chứng viên kiểm tra, xác minh tài sản trước khi chứng thực. Mặc dù vậy, Luật Công chứng quy định, chỉ thực hiện xác minh khi có yêu cầu của người công chứng nên rất ít phòng công chứng đi xác minh. Điều này cũng dẫn đến nguy cơ giao dịch lừa đảo qua mặt, phát sinh tranh chấp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!