Trung tâm khuyết tật và phát triển DRD cho rằng, hiện nay còn nhiều khó khăn cho người khuyết tật vào đại học. Mặc dù Luật Giáo dục đã hỗ trợ cho sinh viên khuyết tật được tuyển thẳng đầu vào ở một số trường nhưng chính sách miễn giảm học phí chưa đầy đủ.
"Người khuyết tật nếu đi học sẽ tốn kém rất nhiều chi phí liên quan đến học tập từ mua dụng cụ trợ thính, xe lăn, xe lắc, mua máy trợ thính, thuê nhà... Nhà nước nên thay đổi tiêu chí để miễn giảm học phí cho đối tượng này", anh Nguyễn Văn Cừ - Phó Giám đốc Trung tâm khuyết tật và phát triển DRD nói.
Là chuyên gia về sức khỏe tâm thần, Tiến sĩ Lyda Downs - Viện nghiên cứu NBCC-I - cho rằng người khuyết tật dễ gặp những vấn đề về sức khỏe tinh thần hơn. Vì vậy, việc bị từ chối vào giảng đường đại học hoặc khó khăn tiếp cận giáo dục sẽ khiến họ mặc cảm hơn.
"Sinh viên khuyết tật luôn được tạo cơ hội để tiếp cận với giáo dục bình đẳng như những sinh viên khác. Ở Mỹ coi đây là quyền của sinh viên khuyết tật, không phải cái họ được nhận hay được ban ơn", Tiến sĩ Lyda Downs nói.
Hiện nay, nước ta có khoảng 7 triệu người khuyết tật, chiếm gần 7,8% dân số. Nhu cầu học đại học, thậm chí là cao hơn nữa của người khuyết tật là một nhu cầu thực tế và cần có sự hỗ trợ một cách cụ thể về chính sách để con đường đến giảng đường của họ không gặp những gian nan.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!