Hiện trường vụ sập cầu Ghềnh hôm 20/03.
Một kịch bản chung cho nhiều vụ tai nạn hay chìm phương tiện trên sông thời gian qua là đến khi xảy ra hậu quả đáng tiếc, cơ quan quản lý mới cho biết phương tiện gây ra vụ việc chưa đảm bảo điều kiện trong hoạt động. Điều đó cũng có nghĩa, các vụ tai nạn không đơn thuần xuất phát từ những yếu tố khách quan mà chủ yếu do nguyên nhân chủ quan. Từ lỗ hổng và yếu kém trong quản lý các phương tiện trên sông.
Một trong những vụ tai nạn trên sông để lại hậu quả rộng và lâu nhất xảy ra hồi tháng 3 năm nay là vụ việc một sà lan đâm sập cầu Ghềnh tại sông Đồng Nai. Sau khi điều tra, nguyên nhân chính được kết luận là do người điều khiển sà lan không có bằng lái tàu theo quy định; chiếc sà lan cũng đã hết hạn kiểm định. Phải sau 3 tháng khắc phục, cầu Ghềnh mới chính thức hoạt động trở lại.
Vào tháng 6, trên sông Hàn, Đà Nẵng, một vụ chìm tàu du lịch đã khiến 3 du khách thiệt mạng, hơn 40 người nhập viện. Nguyên nhân để xảy ra sự việc này là do chiếc tàu không đảm bảo điều kiện an toàn do hoán cải từ tàu cá. Tuy nhiên, sau sự việc trên UBND TP Đà Nẵng mới chỉ đạo, từ nay về sau thống nhất không cấp phép hoạt động cho các tàu du lịch được cải hoán từ tàu ngư dân.
Cũng mới đây, vào ngày 23/7, một nhà hàng bè nổi trên vịnh Vĩnh Hy, Ninh Hải, Ninh Thuận bị sập khiến 300 khách du lịch rơi xuống biển, 2 người thiệt mạng. Sau sự việc này UBND tỉnh Ninh Thuận phải yêu cầu các tàu kinh doanh vận tải đường thủy nội địa dừng hoạt động và tiến hành kiểm tra, nếu như hội đủ điều kiện theo quy định pháp luật mới cho hoạt động kinh doanh trở lại. Tuy nhiên khi trả lời phóng viên báo Lao động về trách nhiệm quản lý, đại diện Sở GTVT tỉnh Ninh Thuận lại cho rằng: “Nó không phải phương tiện nên chúng tôi không quản lý được”.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!