Thuận mua vừa bán là câu nói thể hiện sự bình đẳng giữa người bán và người mua. Tuy nhiên, trong thu mua hải sản nói chung và thu mua cá ngừ đại dương nói riêng lại khác. Ngư dân vất vả cả tháng trời trên biển nhưng không quyết định được giá cá - sản phẩm mình làm ra, mà người quyết định lại là các đầu nậu hay công ty thu mua trên bờ. Câu chuyện này đang xảy ra tại các tỉnh có truyền thống "câu cá ngừ đại dương" ở khu vực Nam Trung Bộ, cụ thể là Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa.
Ghi nhận tại cảng cá Hòn Rớ, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, ngay khi tàu câu cá ngừ cập bến, lập tức các đầu nậu thu mua có mặt. Họ đưa ra giá thu mua. Dù có mặc cả, nhưng phần thắng vẫn thuộc về các đầu nậu và các công ty thu mua. Việc đánh giá chất lượng cá cũng rất cảm tính và do người mua quyết định.
Giá cá ngừ lên xuống theo quyết định của đơn vị thu mua. Thêm vào đó, cách thu mua không phân loại rõ ràng đã làm ngư dân chủ quan trong khâu sơ chế, bảo quản làm giảm chất lượng cá, mà chất lượng giảm, giá lại thấp. Ngư dân vẫn là người thiệt hại.
Hiện nay, sản lượng cá ngừ đã giảm dần do đánh bắt quá mức. Phí tổn mỗi chuyến biển lên đến hàng trăm triệu đồng. Lợi nhuận từ những chuyến biển thấp dần, thu nhập của ngư dân bấp bênh. Chủ tàu chỉ còn chờ vào việc giá cá ổn định để có thể sinh kế bằng nghề câu cá ngừ.
Để giải quyết tình trạng tư thương ép giá người dân, ngành thủy sản tỉnh Khánh Hòa vừa triển khai mô hình thu mua cá ngừ theo chuỗi. Cụ thể, một doanh nghiệp đã ký kết bao tiêu sản phẩm cá ngừ của ngư dân tại cảng theo giá thị trường. Điều kiện đưa ra là ngư dân phải sơ chế, bảo quản theo đúng kỹ thuật mà doanh nghiệp đưa ra. Đây được xem là hướng mở cho đầu ra của cá ngừ tại Khánh hòa, giúp ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!