"Tôi nghĩ rằng việc chép tranh, ăn cắp tranh trước mặt bàn dân thiên hạ, thanh thiên bạch nhật là một sự xúc phạm đến lương tri của cả một xã hội văn minh" - đây là những lời tâm sự của hoạ sĩ Lê Thiết Cương khi anh chứng kiến những tác phẩm của mình từng bị sao chép và ngang nhiên bán ra ngoài thị trường.
Không chỉ anh mà rất nhiều những họa sĩ khác cũng bức xúc về điều này khi dịch vụ sao chép tranh đang được bày bán công khai và chưa được xử lý một cách thỏa đáng. Tuy nhiên, những người trong giới sao chép tranh thường vẽ theo nhu cầu của khách hàng, chính vì vậy việc để ý đến bản quyền tác giả vẫn không được chú trọng.
Trên thực tế, Bộ luật Hình sự 2015 có quy định, tổ chức và cá nhân có hành vi xâm phạm quyền và thu lợi bất chính từ 50 triệu đồng bị xử lý hình sự và có thể bị phạt tù đến 5 năm. Bên cạnh xử phạt hành chính, Nghị định 28/2017 quy định mức xử phạt tối đa trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan đối với cá nhân là 250 triệu đồng, đối với tổ chức là 500 triệu đồng. Thế nhưng, để xử lý triệt để hành vi vi phạm bản quyền thì ý thức của mỗi người vẫn là điều quan trọng nhất.
Để bảo vệ cho những họa sĩ bị xâm phạm bản quyền không phải một sớm một chiều có thể giải quyết được. Phải chăng, chúng ta cần quyết liệt hơn, bảo vệ ra sao và cần làm gì khi bị xâm phạm là những điều nên được làm rõ trong tương lai.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!