"Hãy thử nghĩ đến điều này trong một giây xem: Một người đàn ông có toàn quyền kiểm soát hàng tỷ dữ liệu của mọi người, biết hết tất cả bí mật, cuộc sống hiện tại và tương lai của chúng ta", Mark Zuckerberg "giả" xuất hiện trong đoạn video nói.
Đoạn video được đăng tải lần đầu trên Instagram đã thu hút hơn 60.000 lượt xem và chắc hẳn sẽ rất nhiều người nghĩ rằng phát ngôn gây sốc kia chính là của Mark Zuckerberg. Nhưng thực chất đây chỉ là một đoạn video giả, áp dụng công nghệ deepfake, dùng nhận diện khuôn mặt và trí tuệ nhân tạo để tạo ra video với hình ảnh nhân vật thật.
Mark Zuckerberg "giả" xuất hiện trong đoạn video.
Mục đích ban đầu của deepfake là để tái hiện nhân vật lịch sử một cách sống động nhất cho thế hệ mai sau. Tuy nhiên, khi rơi vào tay kẻ xấu nó được sử dụng để tạo ra các video giả của những ngôi sao Hollywood hay các chính trị gia nhằm bôi xấu họ.
Không chỉ Mark Zuckerberg, Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cũng có những đoạn clip tương tự.
Anh Paul Scharre - chuyên gia công nghệ tại Trung tâm An ninh Mỹ cho hay: "Các chuyên gia nghiên cứu bảo mật có thể dễ dàng nhận biết đâu là video giả. Nhưng đối với người dùng bình thường khó có thể phân biệt được".
Việc quản lý nội dung các trang mạng xã hội lớn vẫn chậm chân hơn sự phát triển vượt bậc của công nghệ, vì vậy để tìm ra phương pháp giải quyết triệt để vấn nạn tin giả vẫn còn rất khó khăn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!