Thuốc đông y trôi nổi có ở khắp nơi trong khi người bệnh thiếu thông tin thiếu kiến thức thì trách nhiệm của cơ quan quản lý lại càng cần phải thể hiện rõ vai trò của mình. Vậy việc quản lý ra sao? Câu trả lời là thực tế, việc xử lý vẫn còn nhiều trên giấy.
Xét nghiệm mất 3-4 ngày, để có kết luận thêm vài ngày nữa và để xử lý cũng cần thêm vài ngày. Thêm vài ngày cũng đồng nghĩa thêm cơ hội để thuốc đông y trôi nổi đến được tay người tiêu dùng.
Có những sự ân hận chẳng thể cứu vãn, mất mạng vì dùng thuốc là có thật. Thế nhưng tình trạng sử dụng đông dược không rõ nguồn gốc đã lan rộng các tỉnh ĐBSCL.
Trong 3 tháng gần đây, Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ đã tiếp nhận 10 bệnh nhân cấp cứu do có sử dụng thuốc trị tiểu đường trôi nổi. Trong đó, 4 trường hợp bác sĩ tiên liệu là sẽ tử vong. Còn tại Bệnh viện Đa khoa trung tâm An Giang và Bệnh viện Đa khoa Hạnh phúc, con số nạn nhân lên tới 30 người, trong đó 1 nửa đã thiệt mạng.
Những con số vừa rồi liệu có khiến ai đó đang có ý định mua thuốc đông y trôi nổi sẽ suy nghĩ lại? Sự cả tin, tâm lý "có bệnh thì vái tứ phương" của nhiều người khi nghe đồn ở đâu có thuốc hay là tự mua thuốc về uống, không cần quan tâm tới nguồn gốc, xuất xứ ra sao cũng là một phần khiến cho thuốc đông y trôi nổi có đất để lộng hành.
Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận, chiêu dụ dỗ, lời chào mời ngon ngọt của những cơ sở bán thuốc về công dụng thần kỳ khiến nhiều người dễ bị lung lay mà bỏ tiền mua sự nguy hiểm cho chính mình hay người thân. Vì vậy, trong lúc thuốc đông y trôi nổi vẫn chưa xử lý được dứt điểm không ai có thể dám chắc có thêm một vài nạn nhân nữa hay không?
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!