Ngày nay, người tiêu dùng chấp nhận lấy vàng thật để đổi lấy những thỏi vàng được tạo hình từ dưa hấu với mức giá gần 10 triệu đồng/cặp. Vào những năm cháy hàng, mỗi cặp được thương lái thổi giá gần 20 triệu đồng nhưng vẫn không đủ cung. Tình trạng cháy hàng luôn xảy ra, ngay khi chủ nhân của nó mới vừa gieo hạt.
Ông Trần Thanh Liêm (TP. Cần Thơ) được mệnh danh là "vua dưa hấu tạo hình" ở miền Tây từng phải trắng tay đón Tết. Nhưng với suy nghĩ "không gì là không thể", sau 8 năm nghiên cứu, từ vài cặp dưa hấu hình vuông, ông đã trồng được gần 500 cặp mỗi năm với hình dáng đa dạng như thỏi vàng, xe hơi, trái tim có bản đồ Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Sau khi trừ chi phí, chỉ trong vụ Tết, chủ vườn thu về gần 500 triệu đồng với hơn 500 m2 đất. Đây là mức lợi nhuận quá lớn mà có nằm mơ nhiều nhà nông ở ĐBSCL cũng không dám nghĩ tới so với các loại cây trồng khác.
Thành công của dưa hấu tạo hình đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong giới làm vườn ở ĐBSCL. Cụ thể, hàng trăm ha cây ăn trái đã được chuyển từ sản xuất thông thường sang trái cây tạo hình. Nhà vườn xem đây là hướng làm ăn mới để tiếp cận thị trường Tết.
HTX sản xuất trái cây tạo hình ở ấp Phú Trí A (xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) trước chỉ sản xuất bưởi ăn nay gần như 100% diện tích phục vụ cho việc tạo hình. Trong đó, bưởi hồ lô Tài Lộc thư pháp là sản phẩm mới trong Dịp Tết Đinh Dậu 2017.
5 năm trước, trái cây tạo hình ở ĐBSCL chỉ tiêu thụ chủ yếu ở TP.HCM thì nay có mặt ở khắp 3 miền của Tổ quốc. Ngoài hình dáng "độc nhất vô nhị", trái cây tạo hình còn mang ý nghĩa tâm linh phù hợp với văn hóa truyền thông của người Việt.
Thực tế cho thấy, nếu việc sản xuất gắn với nhu cầu thị trường và tạo hướng đi riêng cùng với sự hỗ trợ của địa phương thì nhiều mô hình nông nghiệp khác hoàn toàn có thể phát triển ổn định và bền vững như trái cây tạo hình.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!