Trong bối cảnh Nông nghiệp Việt Nam hội nhập quốc tế, việc thay đổi tập quán sản xuất manh mún, chủ yếu dựa vào lối canh tác truyền thống, "mạnh ai nấy làm" là rất cần thiết để phát huy hết giá trị kinh tế của những loại cây trồng này.
Khi rào cản về tư duy được phá bỏ, tính liên kết trong sản xuất và tiêu thụ thật sự được quan tâm, lúc ấy những nông sản như nho, thanh long mới không còn thua ngay trên sân nhà và cạnh tranh lành mạnh với nông sản các nước trên thế giới.
Cụ thể, nhiều nông dân trồng thanh long ở Bình Thuận đang sống trong cảnh dở khóc dở cười khi được mùa nhưng mất giá. Nếu không hái thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của trái thanh long vụ sau, nhưng nếu hái xuống thì cũng không biết tiêu thụ như thế nào.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Thuận, giá bình quân thanh long trong mùa chính vụ thường chỉ giao động ở mức hơn 5.000 đồng/1kg. Những trái thanh long bị bệnh đốm nâu, còn gọi là bệnh tắc kè thường chỉ ở mức 300 - 500 đồng/kg. Mức giá này chẳng đủ chi phí để trả tiền thuê nhân công thu hoạch thanh long.
Theo nhiều chuyên gia, các hiệp định thương mại tự do như Cộng đồng kinh tế ASEAN (ACE), Hiệp định đối tác xuyên Thái bình dương TPP, Hiệp định thương mại Việt Nam - EU sẽ giúp Việt Nam cơ cấu, cân bằng lại thị trường xuất nhập khẩu, tránh phụ thuộc quá lớn vào một thị trường nào đó.
Song, để tránh tránh tình trạng cung thì thừa mà cầu thì không thể đáp ứng, cây thanh long, cây nho cũng như nhiều loại nông sản đặc hữu khác của nông dân Việt Nam phải đạt chuẩn an toàn quốc tế, giá thành cạnh tranh, số lượng lớn.
Bên cạnh đó, để không đánh mất thị trường vào tay các doanh nghiệp nước ngoài, ngoài giải quyết bài toán xuất khẩu, Việt Nam cần thúc đẩy tiêu dùng nội địa và chú trọng hơn về chất lượng thì mới giải quyết được những cái khó đang đeo bám.
* Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam!