Công nghệ 5G chính là ví dụ điển hình, khi gã khổng lồ Trung Quốc Huawei, một doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực này, hiện đang liên tục phải đối mặt với sức ép từ phía Mỹ và nhiều nước khác.
Ở hàng loạt quốc gia trên thế giới, 5G đang là một công nghệ được quan tâm hàng đầu. Do đó, khi càng nhiều dự án 5G được mở ra, vai trò của Huawei lại càng trở nên được quan tâm.
Tập đoàn viễn thông Trung Quốc hiện là trong những hãng sở hữu nhiều bằng sáng chế 5G nhất và cũng có số lượng đóng góp lớn nhất vào chuẩn 5G. Các tên tuổi lớn khác như Ericsson và Nokia được xem là vẫn còn ở sau Huawei khoảng cách khá xa trong lĩnh vực này.
Ông Dexter Thillien, Hãng nghiên cứu Fitch Solutions cho rằng: "Các nhà mạng đều đưa ra quan điểm rằng Huawei có bước tiến vượt trội so với các hãng khác, thậm chí có người khẳng định chỉ có Huawei là nhà cung cấp thiết bị 5G thực thụ duy nhất hiện nay".
Bởi vậy, sự kiềm tỏa của Mỹ và các đồng minh đang không chỉ là thách thức lớn với Huawei mà còn bởi chính các hãng đang triển khai dịch vụ 5G. Nhiều nhà mạng như BT tại Anh và Vodafone tại Australia đã lập tức lên tiếng cảnh báo nguy cơ từ việc hạn chế Huawei tham gia hạ tầng 5G.
Ông Stéphane Téral, Hãng phân tích thị trường HIS lý giải: "Việc cấm sử dụng thiết bị Huawei sẽ tạo ra một khoảng trống khó có thể san lấp nhanh chóng và gây tổn hại nghiêm trọng đến quá trình triển khai mạng 5G".
Nhờ vào sức mạnh của Huawei, Trung Quốc dự kiến sẽ triển khai mạng 5G toàn diện đầu tiên vào năm 2020. Các quốc gia khác, kể cả Mỹ, được dự báo sẽ đi sau tới 5 năm. Vì vậy, bất cứ trở ngại nào do vấn đề Huawei, đều có nguy cơ đẩy thời hạn này càng xa thêm so với hiện tại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!