Các chuyên gia cho rằng, để đối phó với thách thức an ninh mạng hiệu quả, các nước ASEAN một mặt cần xây dựng các chương trình đảm đảm an toàn mạng của nước mình, mặt khác luôn đề cao việc phối hợp ngày càng chặt chẽ hơn, nhằm chia sẻ thông tin an ninh mạng giữa các nước trong khu vực.
Một nghiên cứu được thực hiện bởi Tập đoàn viễn thông Singtel và Hãng bảo mật FireEye cho thấy các chính phủ ở Đông Nam Á có khả năng là đối tượng của một cuộc tấn công mạng cao hơn bất kỳ tổ chức nào khác trong khu vực. Tính đến ngày 8/9/2017, Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam đã ghi nhận hơn 1.700 sự cố về website lừa đảo, hơn 4.500 sự cố về phát tán mã độc và 3.600 sự cố tấn công thay đổi giao diện.
Để tăng cường an ninh mạng, Malaysia đã triển khai Trung tâm Điều phối và Chỉ huy Trung tâm Quốc gia. Thái Lan tăng cường theo dõi và giám sát hoạt động trực tuyến, đồng thời xây dựng một bộ luật về an ninh mạng, mở rộng quyền hạn tiếp cận thông tin cá nhân. Còn Singapore đã công bố một Chiến lược quốc gia về an ninh mạng.
Tuy nhiên với đặc thù của các cuộc tấn công mạng là không phân biệt giới hạn lãnh thổ hay quốc gia nên không một tổ chức, một quốc gia nào có thể đơn độc bảo vệ mình an toàn trước các tấn công. Singapore đã thành lập Quỹ xây dựng năng lực an ninh mạng ASEAN với 7,3 triệu USD để giúp các thành viên trong khối mua sắm trang thiết bị, thuê chuyên gia, huấn luyện nhân sự, xây dựng hành lang pháp lý.
Tuy nhiên sự phòng vệ dù có chắc chắn đến đâu cũng không thể thiếu sự điều phối của con người, do đó các quốc gia cần đầu tư đào tạo nguồn nhân lực, vì đây sẽ là vũ khí sắc bén để đối phó với hiểm nguy trên không gian mạng.
ASEAN đã đặt mục tiêu trở thành nền kinh tế số hóa vào năm 2020. Mục tiêu này có thể được hiện thực hóa khi các nước trong khu vực xây dựng được cơ chế hợp tác, giải quyết kịp thời các sự cố và giảm thiểu tối đa nguy cơ an ninh mạng.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!