Tại Việt Nam, ngày càng gia tăng các cuộc tấn công có chủ đích nhằm vào khối lượng lớn dữ liệu quan trọng của các tổ chức, doanh nghiệp và thông tin cá nhân của nhiều người dùng. Tổ chức bảo mật thế giới Simantec mới đây cũng đánh giá, Việt Nam xếp thứ 6 trên thế giới về những nước có nguy cơ cao bị tin tặc tấn công mã độc.
Hàng loạt các website như Dân Trí, Người Lao Động, Gia đình & Xã hội do VCCorp vận hành bị tin tặc tấn công với thiệt tới gần 30 tỷ đồng vẫn là vụ việc mất an toàn thông tin lớn nhất trong những ngày qua được nhắc tới.
Theo các chuyên gia, tin tặc không chỉ tấn công những sự vụ đơn thuần, quy mô nhỏ lẻ mà tấn công có chủ đích, quy mô lớn với sự hỗ trợ của cả một tổ chức, gây thiệt lớn về tài sản, uy tín, thậm chí sự tồn tại của các tổ chức, doanh nghiệp.
Tại sự kiện "Ngày An toàn thông tin Việt Nam" diễn ra hôm 04/12, Bộ Thông tin và truyền thông nhấn mạnh, công tác đảm bảo an toàn thông tin của Việt Nam vẫn còn ở thế bị động, nhiều cơ quan, tổ chức đang buông lỏng, hầu như không áp dụng các biện pháp tối thiểu để bảo đảm an toàn thông tin và chưa có quy trình thao tác chuẩn để ứng phó khi có sự cố xảy ra.
Để phòng tránh các cuộc tấn công có chủ đích ngày càng gia tăng, một số giải pháp công nghệ, bảo mật trọng điểm đã được công bố tại "Ngày an toàn thông tin Việt Nam 2014".
Theo các chuyên gia CNTT, để hạn chế các cuộc tấn công có chủ đích, xu hướng công nghệ bảo mật được tập trung nghiên cứu thời điểm này và sắp tới sẽ tập trung vào bảo mật các hệ thống thông tin trọng yếu quốc gia có nguồn dữ liệu lớn và đảm bảo an toàn thông tin cho thiết bị cầm tay.
Để tăng cường bảo đảm an toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang khẩn trương xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động an toàn thông tin tại Việt Nam, trong đó có Dự án Luật An toàn thông tin.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.