Một email mạo danh Bộ Y tế Ukraine, với nội dung thông tin giả mạo về số ca nhiễm virus SARS-CoV-2, được phát tán trên Internet đã gây nên nhiều cuộc biểu tình, dẫn đến bạo loạn tại quốc gia này.
Theo thông tin chính thức từ chính phủ Ukraine, email giả mạo này được gửi đi từ bên ngoài Ukraine, với nội dung cho biết có 5 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 tại quốc gia này, là những công dân được chính phủ Ukraine sơ tán từ Vũ Hán (Trung Quốc) trở về nước.
Trước đó, vào ngày 20/2, Ukraine đã đưa 45 công dân nước này và 37 người nước ngoài, phần lớn là người Mỹ La Tin, từ Vũ Hán về một cơ sở cách ly gần ngôi làng Novi Sanzhary, vùng Poltava để thực hiện cách ly trong 14 ngày.
Tuy nhiên, email giả mạo được phát tán trên mạng Internet đã khiến người dân phẫn nộ và không đồng tình với kế hoạch của chính phủ. Nhiều người đã chặn đường, ném đá vào xe chở người được sơ tán.
Người Ukraine biểu tình, đụng độ với cảnh sát vì tin tức giả mạo được phát tán trên Internet thông qua email
Theo thông tin từ chính phủ Ukraine, thông tin của email phát tán trên mạng Internet là hoàn toàn giả mạo. Trên thực tế hiện chưa có trường hợp lây nhiễm virus SARS-CoV-2 nào tại Ukraine.
Để trấn an những người biểu tình, Trung tâm Y tế Công cộng Ukraine đã khẳng định rằng thông tin 5 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 là hoàn toàn sai sự thật, trong khi đó Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đăng tải trên trang Facebook chính thức của mình để nhấn mạnh rằng những người được sơ tán từ Vũ Hán về nước đều khỏe mạnh và họ sẽ được cách ly trong hai tuần để đảm bảo không lây nhiễm ra cộng đồng. Tổng thống Zelensky cũng kêu gọi người dân bình tĩnh và không tiếp tục gây ra bạo loạn.
Thậm chí Bộ trưởng Bộ Y tế Ukraine, bà Zoryana Skaletska - tuyên bố sẽ sống chung 2 tuần trong khu vực cách ly với những người sơ tán từ tâm dịch corona ở Vũ Hán để trấn an dư luận.
Dù trong nước Ukraine chưa có trường hợp mắc virus SARS-CoV-2 nào nhưng đã có 2 người mang quốc tịch Ukraine mắc phải loại virus này, đó là 2 công dân đi trên chiếc du thuyền Diamond Princess đang đậu ở ngoài khơi biển Nhật Bản.
Sự lây lan chưa có dấu hiệu dừng lại của virus SARS-CoV-2 trên phạm vi toàn cầu đang khiến cả thế giới lo ngại. Nhiều người đã tìm kiếm thông tin về loại virus này trên Internet nên không ít kẻ xấu đã lợi dụng điều này để phát tán nhiều tin tức giả mạo hoặc những trò đùa về virus SARS-CoV-2. Đặc biệt trên các nền tảng mạng xã hội lớn như Facebook, Twitter... nhiều tin tức giả mạo về virus SARS-CoV-2 đã được lan truyền nhanh chóng gây hoang mang cho dư luận.
Thậm chí, tin tặc còn loại dụng virus SARS-CoV-2 để đính kèm mã độc vào những email hoặc những tài liệu mạo danh loại virus này nhằm lừa người dùng cài đặt mã độc lên máy tính để xâm nhập và lấy cắp thông tin trên thiết bị.
Để tự bảo vệ mình, các chuyên gia bảo mật khuyên người dùng tuyệt đối không mở các file được đính kèm và gửi đến từ những địa chỉ email lạ, đồng thời nên cập nhật tin tức về virus SARS-CoV-2 thông qua các kênh truyền thông chính thống hoặc các tài khoản mạng xã hội chính thức của các tổ chức y tế, thay vì tin vào các tin tức được lan truyền trên mạng xã hội mà không có nguồn gốc, căn cứ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!