Bom nhiệt hạch - Vũ khí hạt nhân mạnh gấp 1.000 lần so với bom nguyên tử

P.L (Dịch)-Thứ tư, ngày 06/01/2016 15:32 GMT+7

VTV.vn - Mặc dù không được sử dụng phổ biến bằng bom nguyên tử (bom A), tuy nhiên, bom nhiệt hạch (bom H) có sức công phá mạnh hơn rất nhiều.

Được nghiên cứu và phát triển sau những thử nghiệm bom nguyên tử trong nhiều năm, bom nhiệt hạch đã trở thành một trong những vũ khí hạt nhân mạnh nhất hiện nay với sức công phá vượt xa những vụ nổ bom nguyên tử. Mặc dù cùng được hình thành dựa trên những phản ứng liên quan đến hạt nhân, tuy nhiên, về cơ bản, phản ứng nổ tạo nên giữa hai loại bom này là hai giai đoạn ngược nhau.


Hình ảnh cây nấm khổng lồ sinh ra từ vụ nổ bom nguyên tử tại Nagasaki, Nhật Bản năm 1945 (Ảnh: Internet)

Hình ảnh cây nấm khổng lồ sinh ra từ vụ nổ bom nguyên tử tại Nagasaki, Nhật Bản năm 1945 (Ảnh: Internet)

Bom nguyên tử (hay còn gọi là bom hạt nhân, bom A) hoạt động dựa trên quá trình phân hạch. Cụ thể, khi hạt neutron (hạt trung hòa điện tích trong hạt nhân nguyên tử) va chạm với các hạt nhân nặng không bền như Urani hay Plutoni, những hạt nặng sẽ được phân rã thành các hạt nhân nhẹ hơn và giải phóng năng lượng dưới dạng nhiệt, tia phóng xạ gamma và neutron. Các neutron tiếp tục lặp lại quá trình phân rã tạo thành phản ứng dây chuyền, tạo nên nguồn năng lượng vô cùng lớn. Dù phản ứng dây chuyền chỉ diễn ra trong khoảng thời gian rất ngắn, tuy nhiên, sức công phá của bom nguyên tử tương đương với vụ nổ của từ hàng nghìn tấn thuốc nổ TNT.


Hai loại bom nguyên tử với cách kích nổ khác nhau (Ảnh: Wikipedia)

Hai loại bom nguyên tử với cách kích nổ khác nhau (Ảnh: Wikipedia)

Khác với bom nguyên tử, bom nhiệt hạch (hay còn gọi là bom khinh khí, bom Hydro hay bom H) hoạt động dựa trên quá trình hợp hạch (nhiệt hạch), tổng hợp hai hạt nhân nhẹ là đồng vị của Hydro để tạo thành một hạt nhân nặng hơn là Heli. Tuy nhiên, do hai hạt nhân này đẩy nhau vì cùng mang điện tích dương, cần có một nguồn năng lượng rất lớn để tạo ra phản ứng tổng hợp hạt nhân. Để đạt được điều kiện này, một vụ nổ bom nhiệt hạch cần có một vụ nổ bom nguyên tử làm “bom mồi”, do đó, bom nhiệt hạch thường là một quả bom kép.

Trong khi bom nguyên tử chỉ có sức công phá tương đương với hàng nghìn tấn thuốc nổ TNT, bom nhiệt hạch thường có sức công phá cao hơn gấp 1.000 lần, tương đương với hàng triệu tấn thuốc nổ TNT. Nhiệt lượng sinh ra từ vụ nổ nhiệt hạch lớn đến mức có thể tạo nên các cơn bão lửa, ánh sáng sinh ra từ vụ nổ có cường độ cao đến mức có thể khiến người chứng kiến vụ nổ bị mù. Ngoài ra, bụi phóng xạ và các sản phẩm phụ sinh ra từ phản ứng có thể gây ô nhiễm đất, nguồn nước, không khí và sinh vật chịu ảnh hưởng trong hàng trăm năm.


Quá trình tổng hợp hai hạt nhân đồng vị của Hydro là Deuteri và Triti thành Heli và giải phóng năng lượng trong phản ứng nhiệt hạch (Ảnh: Chemwiki)

Quá trình tổng hợp hai hạt nhân đồng vị của Hydro là Deuteri và Triti thành Heli và giải phóng năng lượng trong phản ứng nhiệt hạch (Ảnh: Chemwiki)

Vụ nổ bom nhiệt hạch đầu tiên được thử nghiệm bởi Cơ quan năng lượng nguyên tử và Bộ Quốc phòng Mỹ năm 1952 có sức công phá tương đương với 10,4 triệu tấn thuốc nổ TNT, quét sạch khu vực có bán kính lên tới 56 km. Trong khi đó, quả bom nguyên tử đã cướp đi sinh mạng của hơn 40.000 người dân Nhật Bản tại Nagasaki năm 1945 chỉ có sức công phá tương đương với 21 nghìn tấn thuốc nổ TNT.

Với sự phát triển của khoa học - công nghệ, những quả bom nhiệt hạch hiện nay có thể sử hữu kích thước chỉ bằng đầu đạn tên lửa trong khi sức công phá vẫn vô cùng khủng khiếp.

Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước