Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, hàng triệu trẻ em phải nghỉ hè sớm hơn so với quy định. Việc vui chơi ở ngoài bị hạn chế nên việc học tập, giải trí ở nhà gần như gắn chặt với máy tính, điện thoại có kết nối Internet. Đây chính là thời điểm nhiều em nhỏ phải đối mặt với nguy cơ xâm hại, dễ bị tổn thương trên môi trường mạng.
Tại tổng đài quốc gia 111, nơi tiếp nhận các cuộc gọi của trẻ em, các nhân viên đã nhận được nhiều cuộc gọi cho biết trẻ bị xâm hại trên mạng.
Năm qua, tại Việt Nam đã có hơn 700.000 vụ liên quan tới hình ảnh, video xâm hại tình dục trẻ em xuất hiện trên mạng - đứng thứ 2 trong khối ASEAN. Mới đây, vẫn có những kênh có nội dung xấu độc đối với trẻ em xuất hiện tràn lan trên mạng, điển hình như kênh Timmy TV.
Kênh Timmy TV đăng nhiều nội dung độc hại đối với trẻ em
Trước khi bị xử phạt và đóng kênh , Timmy TV đã đăng tải nhiều video có nội dung kinh dị, mê tín, dị đoan, không phù hợp với thuần phong mỹ tục, gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển tâm sinh lý của trẻ em.
Theo chuyên gia bảo vệ trẻ em Trần Ban Hùng, môi trường mạng tiềm ẩn nhiều nguy cơ và muôn hình vạn trạng các kiểu xâm hại trẻ em trên mạng. Các kiểu xâm hại phổ biến là trẻ bị bắt nạt trực tuyến, bị xúi giục tự tử, tự làm đau bản thân, trẻ tiếp xúc với nội dung bạo lực, nghiện trò chơi điện tử trên mạng, hình ảnh cơ thể bị quay, chụp và phát tán trên mạng. Các đối tượng xấu thường tiếp cận với trẻ em qua các phòng chat ảo, qua Facebook, các diễn đàn trên mạng, hay các nhóm chơi game online...
Chính từ những nguy cơ hiện hữu từ môi trường mạng nên nội dung bảo vệ, hỗ trợ trẻ em tránh bị xâm hại và tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng là điều được nhấn mạnh trong chương trình "Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng giai đoạn 2021 - 2025" vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đúng ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6.
Điểm nhấn của chương trình Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là triển khai những giải pháp công nghệ. Theo đó, các nhà mạng, các nhà cung cấp nền tảng số như Google, Facebook, Zalo sẽ ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, công nghệ phân tích dữ liệu lớn để lọc các video, clip có nội dung xấu độc.
Bên cạnh đó, chương trình cũng trang bị bộ kỹ năng số với những kiến thức phù hợp với từng lứa tuổi để trẻ em nhận biết về chia sẻ thông tin, quyền riêng tư và khả năng tự bảo vệ mình trên môi trường mạng. Bộ kỹ năng số được lồng ghép vào các chương trình giáo dục ở nhà trường. Trước mắt, chương trình sẽ thí điểm ở 5 địa phương gồm Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!