Năm nay, do dịch bệnh COVID-19, hàng triệu trẻ em phải nghỉ hè sớm hơn so với quy định. Việc vui chơi ở ngoài bị hạn chế nên việc học tập, giải trí ở nhà gần như gắn chặt với máy tính, điện thoại, internet. Đây chính là thời điểm nhiều em nhỏ phải đối mặt với nguy cơ xâm hại, dễ bị tổn thương trên môi trường mạng. Bảo vệ, hỗ trợ trẻ em tránh bị xâm hại và tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng. Đó là nội dung chính của chương trình "Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025" vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đúng ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6.
Năm qua, tại Việt Nam đã có hơn 700.000 vụ liên quan tới hình ảnh, video xâm hại tình dục trẻ em xuất hiện trên mạng - đứng thứ 2 trong khối ASEAN.
Chương trình Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng sẽ lọc các video, clip có nội dung xấu độc
Điểm nhấn của chương trình Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là triển khai những giải pháp công nghệ. Các nhà mạng, các nhà cung cấp nền tảng số như: Google, Facebook, Zalo sẽ ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, công nghệ phân tích dữ liệu lớn để lọc các video, clip có nội dung xấu độc.
Bên cạnh đó, chương trình cũng trang bị bộ kỹ năng số với những kiến thức phù hợp với từng lứa tuổi, để trẻ em nhận biết về chia sẻ thông tin, quyền riêng tư và khả năng tự bảo vệ mình trên môi trường mạng. Bộ kỹ năng số được lồng ghép vào các chương trình giáo dục ở nhà trường. Trước mắt sẽ thí điểm ở 5 địa phương: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ.
Trẻ em cũng có thể truy cập trang web: http ://bvte.vncert.vn để chia sẻ những vấn đề về xâm hại trên mạng, giúp các em thể hiện tiếng nói riêng. Chương trình mới được phê duyệt yêu cầu các doanh nghiệp phát triển đa dạng sản phẩm công nghệ Make in Vietnam để đáp ứng nhu cầu học tập, vui chơi trực tuyến lành mạnh, bổ ích cho các bạn nhỏ .
Bên cạnh các giải pháp công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh: việc bảo vệ trẻ em trước những thông tin, video xấu độc trên mạng còn cần sự chung tay của gia đình và cả cộng đồng.
Hơn 60% trẻ em ở Việt Nam có thể tiếp cận thiết bị kết nối Internet. Khi chương trình "Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng" được phê duyệt, "Mạng lưới ứng cứu bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng" sẽ được triển khai liên cơ quan như : Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục trẻ em, các đơn vị tư vấn luật. Khi trẻ em gọi điện thoại tới đường dây nóng 111, thông tin sẽ được tiếp nhận và hỗ trợ kịp thời. Trong giai đoạn 2021-2025, mục tiêu chương trình đặt ra: 100% trẻ em là nạn nhân bị xâm hại trên môi trường mạng được hỗ trợ, can thiệp khi có yêu cầu từ bản thân trẻ em hoặc từ người thân, cộng đồng xã hội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!