Bạn thường không nghe thấy CEO của một công ty công nghệ khuyên khách hàng hãy đặt sản phẩm của chính công ty của mình xuống. Nhưng đó lại là những gì mà Tim Cook – thuyền trưởng của Apple nói trong chương trình Gala do Tạp chí Time tổ chức. Chương trình đã mời đến những nhân vật có ảnh hưởng nhất thế giới hiện nay.
Trong số những nhân vật phát biểu có những cái tên vô cùng nổi tiếng như Tim Cook, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, người sáng lập phong trào MeToo, Tarana Burke, nhà sản xuất Ryan Murphy hay cựu người mẫu kiêm doanh nhân Tyra Banks…
Khi đứng trên sân khấu, ông Cook nhấn mạnh Apple không bao giờ sáng tạo ra iPhone với mục đích thiết bị được người dùng sử dụng liên tục.
"Apple không bao giờ muốn tối đa hóa thời gian của người dùng. Chúng tôi không bao giờ nói về điều đó", ông Cook phát biểu và lưu ý thêm rằng ông đã để tắt những thông báo trên thiết bị của mình.
Ông Tim Cook trong chương trình Time 100 Gala
"Nếu các bạn có iPhone và chưa làm điều này, tôi khuyến khích bạn nên làm: kiểm soát những thông báo (notifications) trên thiết bị. Cá nhân tôi đã rút lại và cố gắng hạn chế. Lý do vì sao? Tôi đã tự hỏi, mình có thực sự cần nhận hàng ngàn thông báo mỗi ngày? Nó có làm tăng giá trị cuộc sống của bạn hoặc có thể làm tôi trở thành người tốt hơn? Cuối cùng tôi đã hạn chế bớt chúng", ông Cook nói thêm.
Tháng 6 năm ngoái, trong Hội nghị dành cho các nhà phát triển, trên hệ điều hành iOS mới, Apple đã giới thiệu tính năng mới Screen Time. Tính năng này cho phép người dùng kiểm soát thời gian mình sử dụng thiết bị.
Tính năng Screen Time trên các thiết bị dùng iOS
Trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình CNN trong ngày hôm đó, Tim Cook nói, ông luôn nghĩ mình là người dùng iPhone có kỷ luật. Tuy nhiên, sau khi theo dõi việc sử dụng thiết bị với Screen Time, ông tự nhận thấy mình đã sai.
Nước Mỹ cần quan tâm hơn tới quyền riêng tư của người dùng
Cũng trong bài phát biểu của mình, Tim Cook tiếp tục đề cập tới một chủ đề nóng nữa đó là quyền riêng tư của người dùng Internet.
Ông khẳng đinh, các quy định bảo vệ người dùng web và truy cập các ứng dụng ở châu Âu đang tốt hơn ở Mỹ. CEO Apple gọi Quy định bảo vệ dữ liệu chung của châu Âu (GDPR) là một "bước đi đúng hướng".
Theo những quy tắc hà khắc của EU được thông qua vào năm ngoái, mọi dữ liệu cá nhân được tạo ra bởi người dùng trực tuyến không thể được sử dụng bởi bất kì công ty nào mà không có sự đồng ý của người dùng. Các công ty không tuân thủ quy định này có thể bị phạt lên tới 20 triệu Euro hoặc 4% doanh thu toàn cầu của năm trước, tùy theo con số nào cao hơn.
Apple từ chối mở khóa iPhone của kẻ xả súng vì sợ sẽ tạo ra công cụ có thể mở khóa mọi chiếc iPhone nếu bị rò rỉ.
Lấy Facebook làm ví dụ. Nếu nhận hình phạt tối đa theo GDPR năm nay (tất nhiên đây là tình huống giả định), công ty này sẽ bị phạt lên tới 2,2 tỷ USD dựa trên mức doanh thu hơn 58 tỷ USD trong năm 2018. Tim Cook hy vọng những quy định tương tự như GDPR có thể được thông qua ở Mỹ.
CEO của Apple nói thêm, ông tin rằng nước Mỹ đang quan tâm hơn đến quyền riêng tư hơn so với thời điểm 2016. Đầu năm đó, FBI đã yêu cầu Apple mở khóa một chiếc iPhone 5C. Chiếc iPhone này thuộc sở hữu của thủ phạm vụ xả súng ở San Bernardino - Syed Farook.
Tuy nhiên, Apple đã không tuân theo phán quyết của tòa án vì sợ rằng họ sẽ tạo ra một công cụ đặc biệt để mở khóa điện thoại. Nếu công cụ này bị rò rỉ thì bất cứ chiếc iPhone nào cũng có thể bị mở khóa. Ông Tim Cook đã gọi hành động của Chính phủ khi yêu cầu Apple mở khóa của chiếc iPhone là "không phải thời điểm tốt nhất".
FBI cuối cùng đã đã dùng thiết bị của bên thứ ba để mở khóa chiếc iPhone 5C và không tìm thấy gì liên quan đến vụ xả súng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!