Năm 2013 có thể coi là năm đen tối trong lịch sử của BlackBerry. Sau quá khứ huy hoàng với đỉnh cao vào năm 2008 khi chiếm khoảng 19,5% thị trường smartphone toàn cầu, Blackberry bắt đầu quá trình sụt giảm vào năm 2010 - 2011.
Chậm bắt nhịp với xu thế màn hình cảm hứng, đồng thời sự ra đời của hàng loạt các mẫu smartphone Android khiến BlackBerry bị tụt lại phía sau. Bên cạnh đó, Apple với iPhone cũng khiến các mẫu BlackBerry lừng danh một thời đi vào dĩ vãng. Số người dùng trung thành với RIM (tên ban đầu của BlackBerry) giảm mạnh trên toàn cầu.
Đã có thời điểm tường chừng như Blackberry không thể vượt qua được khó khăn (Ảnh: newyorker.com)
Đầu năm 2013, hãng công nghệ Canada cho ra mắt phiên bản hệ điều hành BlackBerry 10 cùng 2 smartphone Z10 và Q10. Cũng tại sự kiện này, RIM chính thức đổi tên công ty thành BlackBerry, đồng bộ với thương hiệu sản phẩm của mình. Tuy nhiên, nền tảng hệ điều hành cùng các sản phẩm mới không thể cứu vãn BlackBerry trước sức "tàn phá" quá mạnh của Android.
Cắt giảm gần 5.000 nhân công, thua lỗ nặng, cuối cùng BlackBerry phải tuyên bố "bán mình" cho Fairfax Financial, cũng là cổ đông lớn của tập đoàn. Cũng thời điểm này, ông John Chen được các cổ đông đưa về thay thế cho CEO lúc bấy giờ là Thorsten Heins với hy vọng ông sẽ lèo lái con thuyền BlackBerry trong bão tố thành công.
Blackberry đã thoát hiểm như thế nào?
Đứng đầu BlackBerry trong giai đoạn đầy bão tố, ông John Chen đã xác định tầm nhìn mới cho tập đoàn. Ông Chen nhìn thấy cơ hội cho Blackberry ở mảng phần mềm và internet vạn vật (IoT).
Với smartphone, ông vẫn để không gian cho những chiếc điện thoại nổi tiếng vì sự chắc chắn, bền vững và bảo mật. Điểm khác biệt lớn nhất là BlackBerry hợp tác cho phép các công ty khác được sử dụng hệ điều hành và phần mềm bảo mật của công ty để phát triển các sản phẩm mới.
Ví dụ điển hình chiếc điện thoại BlackBerry KeyOne. Đây là chiếc điện thoại do TCL sản xuất nhưng BlackBerry thiết kế và sử dụng hệ điều hành và phần mềm bảo mật của BlackBerry.
BlackBerry Motion, chiếc smartphone mới nhất của BlackBerry
Sự hợp tác này đã mang lại nguồn thu đáng kể cho hãng. Trong quý II vừa qua, BlackBerry đã thu về 56 triệu USD tiền phí bản quyền, tăng gần gấp bốn lần so với khoản tiền 15 triệu USD mà họ đã thu về trong cả năm trước đó.
Blackberry cũng sử dụng tên tuổi trong lĩnh vực bảo mật để cung cấp các phần mềm an ninh cho các ngân hàng và các tập đoàn lớn trong bối cảnh an ninh mạng ngày càng nóng. Thực tế cho thấy, các đơn vị này không tiếc tiền nhằm đảm bảo an toàn trước những cuộc tấn công mạng toàn cầu vô cùng tinh vi.
Hãng công nghệ Canada cũng đem đến cho ngành công nghiệp ô tô nhiều hệ thống thông tin giải trí, các giải pháp công nghệ cho xe tự lại. Thậm chí, BlackBerry cũng cung cấp những ứng dụng cho điện thoại Android trên Google Play.
John Chen - Người đứng sau cú thoát hiểm ngoạn mục
Một trong những lý do khiến các cổ đông chọn John Chen vào vị trí CEO của BlackBerry trong giai đoạn khó khăn nhất là biệt tài vực dậy những công ty đang tụt dốc và đứng trên bờ vực phá sản.
CEO John Chen - người đã giúp BlackBerry thoát hiểm
Trước BlackBerry, ông là CEO của Sybase, công ty chuyên về những dịch vụ dành cho doanh nghiệp. Tại đây, ông đã biến Sybase từ một công ty thua lỗ liên tiếp 4 năm trở thành một trong những tên tuổi lớn nhất trong lĩnh vực mà nó hoạt động để rồi SAP phải mua lại với giá 5,8 tỷ USD Mỹ vào năm 2010.
Blackberry vừa chuyển cổ phiếu của mình từ sàn chứng khoán NASDAQ sang sàn New York Stock Exchange với mã mới BB. Với bước chuyển này ông Chen hy vọng lịch sử của BlackBerry sẽ bước sang trang mới. Ông một lần nữa khẳng định, BlackBerry đã chuyển đổi hoàn tất và thoát hiểm thành công.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!