Chatbot được ra đời trong bối cảnh những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 tiếp tục làm đảo lộn cuộc sống của thanh thiếu niên.
Tiến sĩ Christine Grove từ Khoa Giáo dục của Đại học Monash đã phát triển một chatbot được gọi là ‘Ash’, nhằm đối phó với tình trạng ngày càng có nhiều người trẻ đang phải vật lộn để đối phó với căng thẳng ở trường, cảm giác trầm cảm và lo âu, cũng như thiếu sự trợ giúp đầy đủ cho các vấn đề của họ.
Các chủ đề được chatbot đề cập bao gồm cả khía cạnh tích cực và tiêu cực của cuộc sống, bao gồm trường học, gia đình, bạn bè hoặc các mối quan hệ, tương lai, tôn giáo, sách, trò chơi, nghệ thuật, thể dục thể thao và âm nhạc.
Chatbot cũng có thể xử lý các cụm từ và cách nói phổ biến của giới trẻ, từ những câu chào thông thường như "xin chào" đến ngôn ngữ thô tục hơn, và nó có thể phát hiện các cụm từ dài hơn như "Bạn khỏe không?" và "Bạn đến từ đâu?". Nó cũng có thể phản hồi các lệnh, chẳng hạn như với các câu "Đừng nhắn tin cho tôi" hoặc "Để tôi yên", ‘Ash’ sẽ ngừng gửi tin nhắn.
Quan trọng hơn, chatbot cũng phát hiện các từ ngữ có tính chất đáng báo động, chẳng hạn như "cắt", "chết", "đau" và cảnh báo các nguồn liên hệ hỗ trợ có liên quan hoặc hệ thống y tế nếu thanh niên có nguy cơ tự làm hại bản thân hoặc tự tử.
Các chủ đề khác như ma túy, rượu, tình dục và danh tính cá nhân - những vấn đề quan trọng với giới trẻ trong giai đoạn nghiên cứu và phát triển - có thể được tích hợp vào chatbot trong tương lai. Công nghệ này đã bắt đầu được triển khai tại một số trường học trên toàn bang Victoria và có khả năng được triển khai trên toàn thế giới.
Tiến sĩ Grove cho biết, chatbot được tạo ra để cung cấp thông tin dựa trên các thu thập thực tiễn, cải thiện chất lượng cuộc sống, cung cấp kiến thức về sức khỏe tinh thần và các chiến lược đối phó tương ứng để giúp đỡ học sinh trong những thời điểm cần thiết và cho sự phát triển của các em.
Nguồn ảnh minh họa: Đại học Monash, Úc
"Có rất nhiều người trẻ phải trải qua những thử thách về sức khỏe tinh thần nói riêng và sức khỏe nói chung. Một số yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần các em bao gồm việc vật lộn để đối phó với căng thẳng ở trường, cảm giác trầm cảm và lo lắng và việc thiếu sự trợ giúp đúng đắn cho thanh thiếu niên", Tiến sĩ Grove nói.
"‘Ash’ là một robot trực tuyến có thể pha trò, tám chuyện về một ngày của bạn hoặc đưa ra những đề xuất bất cứ khi nào bạn cần hỗ trợ. Nếu một học sinh đang có một ngày tồi tệ ở trường hoặc không chắc chắn về cách đối phó với việc học, với bạn bè, ‘Ash’ sẽ cung cấp cho họ những gợi ý hoặc chiến lược hữu ích. Nó cũng có thể kết nối học sinh với một giáo viên hỗ trợ hoặc chuyên gia nếu họ cần thêm sự giúp đỡ", ông nói thêm.
Gần một phần tư số người trong độ tuổi 15-19 có các triệu chứng nghiêm trọng của bệnh tâm lý. Nghiên cứu cho thấy con số này thậm chí còn đang tăng lên do dịch COVID-19.
Tiến sĩ Grove cho biết những người trẻ gặp khó khăn về sức khỏe tâm thần có thể rời bỏ trường học hoặc cộng đồng do nghỉ học kéo dài, xa cách xã hội hoặc gặp bất lợi về tài chính.
Chatbot là một ứng dụng công nghệ kỹ thuật số được hỗ trợ bởi trí tuệ nhân tạo, mô phỏng cuộc trò chuyện với người thật. Một đánh giá gần đây đã xác định 41 chatbot có thể được sử dụng để nâng cao sức khỏe tâm thần, hầu hết được triển khai ở Hoa Kỳ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!