Theo một bản báo cáo không chính thức được đăng tải bởi Deepak Abbot trên trang Medium, những số liệu tổng hợp toàn diện về các data point (mục dữ liệu) của Google Play Store đang cho thấy sự phát triển đầy ấn tượng của thị trường Ứng dụng di động. Các con số nổi bật có thể kể đến là 3,7 triệu ứng dụng đang có mặt trên kho tải, 14,6 tỷ USD là doanh thu từ các ứng dụng và 60 tỷ USD là tổng số lượt cài đặt.
Hãy cùng điểm qua những số liệu ấn tượng khác trong bản báo cáo này, bao gồm những danh mục ứng dụng hàng đầu, CPI toàn cầu và một vài data point nổi bật khác nữa.
Chỉ có 0,9% số ứng dụng trên Play Store đạt hơn 1 triệu lượt cài đặt và 20% đạt mức rating 4.5
Theo thống kê, hiện đang có tổng cộng 3,7 triệu ứng dụng trên kho tải Google Play, nhưng chỉ có khoảng 2.800 ứng dụng, tức là chưa đến 1% trong số đó đạt được hơn 1 triệu lượt cài đặt. 500.000 là con số ứng dụng không có rating nào và 750.000 là số ứng dụng đạt mức rating 4.5 trở lên. Một số liệu ấn tượng khác là trung bình mỗi tháng, có 50.000 ứng dụng mới xuất hiện trên kho tải.
Top 10 nhà phát triển trên Play Store
Hiện tại, Google là nhà phát triển có cả số lượng ứng dụng lẫn tổng số lượt tải nhiều nhất trên Google Play Store, cụ thể là 176 ứng dụng và 20 tỉ lượt tải. Facebook mặc dù chỉ có 19 ứng dụng nhưng cũng xuất sắc đứng ở vị trí thứ 2 với 6 tỉ lượt tải. Các nhà phát triển ứng dụng khác cũng nằm trong top 10 theo thứ tự là Samsung, Microsoft, WhatsApp, King, Instagram, Outfit7, HP và cuối cùng là Gameloft.
Thị phần ứng dụng trả phí và miễn phí
2 năm trước, thị phần của ứng dụng trả phí (paid app) chỉ đạt có 15%, và hiện tại con số này vẫn đang có chiều hướng giảm mạnh do các nhà phát triển lẫn người dùng đều đang ngày càng dành ưu tiên cho ứng dụng miễn phí (free app). Thực tế, đang có tới 3.5 triệu ứng dụng miễn phí và chỉ có 220,000 ứng dụng trả phí trên Google Play Store.
Top ứng dụng dựa trên MAUs (monthly active user)
Dựa trên số lượng người dùng hoạt động hàng tháng (MAUs), Facebook là ứng dụng đang dẫn đầu với 2.2 tỉ người dùng. Tiếp đến là 2 ứng dụng nhắn tin và gọi thoại - video cực kì phổ biến trên toàn cầu: WhatsApp với 1.6 tỉ và Facebook Messenger với 1.4 tỉ người dùng. Các ứng dụng khác cũng góp mặt trong top 10 bao gồm Youtube, Gmail, Wechat, QQ, Instagram, Taobao và cuối cùng là Alipay.
CPI trung bình toàn cầu
Theo chỉ số CPI (cost per install) trung bình, tức là số chi phí ước tính để có được một lượt cài đặt ứng dụng, Hàn Quốc đang xếp ở vị trí đầu tiên với $3.5, khá cách biệt so với top 2 là Anh ($2.8) và Mỹ ($2.7). Theo sau là các quốc gia Pháp, Ý, Đức với mức CPI nằm trong khoảng $2. Top 7 đến top 10 đánh dấu sự xuất hiện của 3 quốc gia khu vực Châu Á là Indonesia, Thái Lan và Ấn Độ. Brazil cũng may mắn lọt vào top 8 với mức CPI là $0.3, bằng với Thái Lan và Ấn Độ.
Lượt tải ứng dụng hàng tháng (chỉ trên Android)
Trong 12 tháng vừa qua, tổng lượt cài đặt ứng dụng trên Play Store đã lên tới con số 127 tỷ, trong đó chỉ riêng Trung Quốc đã đạt tới 67 tỷ lượt.
Mức chi tiêu trong ứng dụng (in-app) của người dùng theo hàng tháng
Người tiêu dùng toàn cầu trong vòng 12 tháng qua đã chi ra tổng cộng 27.8 tỉ USD bên trong các ứng dụng. Cũng tương tự như data point Lượt tải ứng dụng hàng tháng, Trung Quốc gần như chiếm tới một nửa trong số đó, cụ thể là 13.2 tỉ USD.
Thời lượng mỗi ngày dành trên các ứng dụng
Trung Quốc lại một lần nữa gây ấn tượng với việc người dùng tại đây trung bình đang dành tới 6 tiếng rưỡi mỗi ngày trên các ứng dụng di động của Google Play. Con số này bỏ xa 4 tiếng của Indonesia, quốc gia xếp thứ 2. Người dùng tại Brazil, Mexico và Hàn Quốc cũng đều đang dành ra 3 tiếng 10 phút cho việc sử dụng các ứng dụng. Ở Nhật Bản và Ấn Độ, con số này là 2 tiếng 40 phút, cao hơn một chút so với Mỹ (2 tiếng 30 phút). Các quốc gia xếp cuối là Anh, Đức, Pháp với lần lượt là 2 tiếng 5 phút, 1 tiếng 55 phút và 1 tiếng 50 phút.