Một tháng trở lại đây, thị trường điện thoại thông minh, phân khúc tầm trung đang được "hâm nóng" khi nhiều sản phẩm mới liên tiếp được tung ra. Đặc biệt là sự quay trở lại của những tên tuổi cũ vốn đang yếu thế.
Tại một sự kiện ra mắt điện thoại mới tại thành phố Đài Bắc, Đài Loan, Trung Quốc, rất dễ để thấy một công thức phổ biến mà các doanh nghiệp di động dùng để chinh phục người tiêu dùng phân khúc tầm trung: đầu tiên là camera, thứ 2 là giá mềm, thứ 3 là sức ảnh hưởng của người nổi tiếng.
Công thức chiến lược này được Tập đoàn Asus dùng để trở lại tấn công thị trường điện thoại tầm trung của Việt Nam trong năm nay. Đây là bài học mà hãng rút ra được, bởi năm 2016 dòng sản phẩm trước đó đã không thành công khi đánh vào phân khúc cao cấp, làm sụt giảm thị phần của hãng từ 10% xuống chỉ còn dưới 5%.
Tập trung phát triển sản phẩm điện thoại đánh vào thị hiếu của người tiêu dùng trẻ cũng chính là chiến lược giúp một hãng công nghệ ngoại khác là Oppo vươn lên chiếm hơn 20% thị phần điện thoại.
Theo nghiên cứu mới nhất của tổ chức Neilsen, thế hệ ở độ tuổi từ 17 - 37 tại Việt Nam đang chiếm đến 30% dân số Việt Nam. Với đặc tính tiêu dùng nổi bật là có đến 50% sẵn sàng bỏ tiền mua các sản phẩm có tính đổi mới.
Thị trường điện thoại tầm trung tuy hấp dẫn khi mang về đến 1/3 tổng doanh thu điện thoại tại Việt Nam, thế nhưng giới chuyên gia đánh giá cuộc cạnh tranh sẽ rất gay gắt, buộc các hãng di động phải so kè nhau từng chút một về tính năng của sản phẩm nhưng giá thành vẫn phải dễ chịu với người dùng. Sức cạnh tranh có thể loại bỏ những tên tuổi lớn như đã từng xảy ra với LG hay Sony.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!