Mất SIM điện thoại, khách hàng bị "móc túi" như thế nào?

Lê Bình-Thứ tư, ngày 14/08/2013 10:11 GMT+7

 Về vụ cướp sim điện thoại chiếm đoạt tài sản cá nhân, đối tượng đã bị bắt, nhưng câu hỏi đặt ra là đối tượng đã sử dụng thủ đoạn nào để chiếm đoạt tài sản của người bị hại và người dân cần lưu ý gì khi mất sim điện thoại?

Sau khi Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa đã tiến hành khởi tố, bắt tạm giam đối tượng Đinh Xuân Lợi về tội sử dụng mạng viễn thông thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, nhóm phóng viên VTV đã có mặt tại Thành phố Thanh Hóa để cùng tìm câu trả lời. Đây là vụ việc đầu tiên dùng sim điện thoại để chiếm đoạt tài sản cá nhân được phát hiện tại Việt Nam.

Hai nạn nhân, một người sống ở Hà Nội, một sống ở TP.HCM, có điểm chung là mất sim điện thoại và sau đó mất tiền trong tài khoản ngân hàng. Thủ phạm sống tại Thanh Hóa, nhưng dễ dàng ăn cắp tiền của họ. Tại sao lại như vậy, thủ đoạn của đối tượng Đinh Xuân Lợi là gì? Manh mối vụ án được phát hiện từ Thanh Hóa.

Anh Vũ Minh Nhật, người bị hại tại Hà Nội cho biết: “Sau khi mất sim điện thoại, tôi có liên hệ với nhà mạng và được báo là sim đã được yêu cầu cấp lại tại tỉnh Thanh Hóa, trong khi đó tôi vẫn đang ở Hà Nội”.

‘ Ảnh minh họa

Từ manh mối này, Công an đã khoanh vùng đối tượng ngay tại địa bàn Thanh Hóa. Tuy nhiên thủ phạm là ai, hoạt động cụ thể tại địa bàn nào là câu hỏi đặt ra cho cơ quan điều tra. Thủ phạm đã cố tình sử dụng USB 3G để giảm thiểu khả năng bị phát hiện.

Đại úy Vũ Đình Thành, Đội trưởng đội PCTP Công nghệ cao, Công an tỉnh Thanh Hóa nói: “Cái khó của vụ án này là đối tượng đã sử dụng USB 3G và GPRS để giao dịch trực tuyến, tức là khi đối tượng tắt dịch vụ, sẽ rất khó xác định địa điểm”.

Trước thủ đoạn tinh vi này, cơ quan điều tra đã phải trực 24/24h để bắt sóng các giao dịch trực tuyến mới có thể tìm ra thủ phạm. Tại chính địa điểm này, bằng cách sử dụng USB 3G, Đinh Xuân Lợi đã có thông tin cá nhân của bị hại để làm chứng minh thư giả mạo rồi từ đó đến đại lý của hai nhà mạng là Viettel và Mobifone xin cấp lại sim và thực hiện giao dịch online để chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng.

Câu hỏi mấu chốt lúc này là bằng cách nào Đinh Xuân Lợi lại có được thông tin cá nhân của người bị hại để làm được chứng minh thư giả mạo khi người bị hại ở cách xa hàng ngàn km? Phải chăng giữa người bị hại và tội phạm có mối quan hệ quen biết hay thông tin cá nhân của người bị hại bị ai đó cung cấp? Cả hai nghi vấn trên đều không đúng trong trường hợp này.

Đại úy Vũ Đình Thành cũng cho rằng: “Chính do sự phát triển mạnh của internet mà những đối tượng như Đinh Xuân Lợi dù không qua trường lớp công nghệ nào cũng có thể sử dụng các thông tin cá nhân của bị hại trên mạng internet để thực hiện hành vi phạm tội”.

Theo các cơ quan chức năng, tính đến nay, vụ án sử dụng sim điện thoại để chiếm đoạt tài sản cá nhân được ghi nhận là vụ việc đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam. Tuy nhiên vụ việc này cũng cho thấy, cách nhanh chóng nhất để trở thành người bị hại là đăng tải tất cả thông tin cá nhân lên mạng internet. Trong vụ việc này, cả hai bị hại đều đã đăng tải thông tin cá nhân để phục vụ việc bán hàng trực tuyến.

Để theo dõi chi tiết vụ việc, mời quý vị và các bạn xem VIDEO dưới đây:

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước