Chuyển đổi số len lỏi vào từng ngõ ngách cuộc sống

VTV Digital-Thứ tư, ngày 11/10/2023 06:37 GMT+7

VTV.vn - Với chiếc điện thoại, mỗi người dân dù là ai, ở bất cứ đâu, thành thị hay nông thôn đều đã, đang và tiếp tục tham gia chuyển đổi số theo cách của riêng mình.

Bằng điện thoại thông minh, mọi người dân đang được trực tiếp tham gia chuyển đổi số

Ngày 10/10 là Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Việt Nam đã bước vào năm thứ 4 của chuyển đổi số. Nếu như năm 2020 là năm khởi động thì đến năm nay, chuyển đổi số đã đi vào từng ngõ ngách, đến từng doanh nghiệp, tới từng gia đình. Hết quý III năm nay, Việt Nam có hơn 500 triệu tài khoản người dùng trên các ứng dụng di động. Đây xem là cơ hội để hiện thực hóa công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Nhiều người vẫn nghĩ chuyển đổi số là điều gì đó xa xôi, là việc của các cơ quan, tổ chức lớn. Nhưng thực tế là chúng ta vẫn đang từng ngày, từng giờ tham gia vào chuyển đổi số bằng những việc cụ thể như quét QR.

Chuyển đổi số len lỏi vào từng ngõ ngách cuộc sống - Ảnh 1.

Chuyển đổi số len lỏi vào từng ngõ ngách cuộc sống. Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN.

Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam hiện có gần 70 triệu người dùng điện thoại thông minh, thuộc nhóm 10 quốc gia có tỷ lệ sử dụng smartphone cao nhất thế giới. Với chiếc điện thoại, mỗi người dân dù là ai, ở bất cứ đâu, thành thị hay nông thôn đều đã, đang và tiếp tục tham gia chuyển đổi số theo cách của riêng mình.

Người bán hàng - chợ xã Trạch Mỹ Lộc, Phúc Thọ, Hà Nội cho hay: "Khi mình không có tiền trả lại thì mã QR nó giúp mình việc đấy, nhất là khi đông khách nó nhanh và tiện".

Người đi chợ nói: "Mình bây giờ không mang theo tiền mặt nữa, chỉ cần một chiếc điện thoại là xong".

"Điện thoại của tôi dù không kết nối mạng nhưng vẫn nhận được tiền của khách", một cụ già chia sẻ.

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, cơ quan này đang điều phối các doanh nghiệp viễn thông xây dựng và triển khai kế chuyển đổi thuê bao sang sử dụng smartphone, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và chuyển dịch sang kỷ nguyên số.

Hoàn thiện thể chế, pháp lý cho chuyển đổi số

Rất dễ dàng và thuận tiện, mọi người dân đều có thể bước vào không gian số chỉ với một chiếc điện thoại thông minh. Nhưng để đảm bảo tính an toàn và bảo mật thì vẫn cần hành lang pháp lý hoàn chỉnh cho giao dịch số giống giao dịch giấy thông thường.

Tháng 5/2023, Luật Giao dịch điện tử sửa đổi đã được Quốc hội khóa XV thông qua và trở thành một bước tiến quan trọng để hoàn thiện thể chế cho chuyển đổi số.

Tỷ trọng kinh tế số trong GDP 9 tháng đầu năm nay đạt khoảng 16,56%, tốc độ tăng trưởng duy trì ở mức cao ở mức 16% so với năm ngoái. Theo các chuyên gia, vào năm tới khi Luật Giao dịch điện tử sửa đổi có hiệu lực sẽ tiếp tục tạo thúc đẩy hơn nữa cho kinh tế số.

Ông Thái Trí Hùng - Giám đốc công nghệ Momo cho biết: "Chúng ta có những hoạt động chính thức, được công nhận bởi pháp luật. Chúng ta có sự ủng hộ về luật pháp để triển khai. Nó giúp thị trường có nhận thức đầy đủ hơn về hoạt động của các công ty công nghệ, giúp khách hàng tin tưởng hơn vào các nền tảng số".

Chuyển đổi số len lỏi vào từng ngõ ngách cuộc sống - Ảnh 2.

Rất dễ dàng và thuận tiện, mọi người dân đều có thể bước vào không gian số chỉ với một chiếc điện thoại thông minh. Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư.

Với các quy định cụ thể, chặt chẽ về dữ liệu, với sự hoàn thiện về công nghệ thì dù không gặp mặt trực tiếp nhưng các chủ thể hoàn toàn được đảm bảo tính pháp lý của hợp đồng khi ký kết và giao dịch.

Ông Phạm Quốc Hoàn - Phó Giám đốc Trung tâm chứng thực điện tử quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: "Khi người dân được định danh kèm theo đó là có một chứng thư số để ký số trên môi trường mạng thì tất cả các giao dịch trên môi trường mạng sẽ được thực hiện một cách tin cậy…".

Cũng trong năm nay, hơn 61 triệu tài khoản định danh điện tử đã được cấp cho người dân. Hơn 5,6 triệu tài khoản đăng ký mới và hơn 4 nghìn tỷ đồng được giao dịch trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia.

Ông Nguyễn Huy Dũng - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: "Thực tế đến trên 80% dữ liệu là do người dùng tạo ra, còn dữ liệu cơ quan tổ chức chỉ chiếm 20%. Vì vậy, người dân vừa là chủ thể, vừa là đối tượng chính tham gia vào hoạt động này, cũng giống như chúng ta sở hữu tài sản cá nhân thì nếu người dân tích cực tham gia mới tạo được phát triển đột phá".

Những hệ thống máy tính lớn đang mỗi ngày thu nhận hàng tỷ thông tin, dữ liệu từ các giao dịch số, để từ đó phân tích và tạo ra thêm nhiều lợi ích cho người dùng. Khác với những cuộc Cách mạng Công nghiệp trước đây thì tài nguyên của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 chính là dữ liệu. Đặc biệt hơn, nguồn tài nguyên này khi khai thác sẽ càng được bồi đắp, gia tăng để tạo thêm nhiều giá trị mới

Khai thác hiệu quả, đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số

Trong chương trình Ngày Chuyển đổi số quốc gia sáng 10/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của người dân, doanh nghiệp trong chuyển đổi số. Thủ tướng cũng chỉ đạo các cơ quan, bộ, ngành phải quan tâm tới dữ liệu, coi đây là tài nguyên quốc gia để bồi đắp, khai thác hiệu quả đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn và chính họ sẽ tạo ra nguồn lực cho sự phát triển. Luôn phải coi dữ liệu số là tài nguyên quốc gia, càng khai thác nguồn tài nguyên này thì đất nước càng phát triển. Dữ liệu số quốc gia thì nó lại có cái hay là, ví dụ xăng dầu càng khai thác càng cạn kiệt, nhưng dữ liệu số quốc gia càng khai thác lại càng phát triển. Xây dựng cơ sở dữ liệu là rất quan trọng rồi nhưng chia sẻ kết nối còn quan trọng hơn để chúng ta càng sử dụng nó càng mang lại hiệu quả hơn".

Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhấn mạnh quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là lấy người dân doanh nghiệp làm trung tâm, là chủ thể, động lực và nguồn lực cho chuyển đổi số. Đồng thời, Chính phủ cũng xác định mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ của chuyển đổi số Người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ của chuyển đổi số

VTV.vn - Đây là khẳng định của Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về Chuyển đổi số trong Công an nhân dân lần thứ 2 diễn ra sáng 10/10.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước