Với giá vé 1,5 triệu nhân dân tệ (khoảng 210 nghìn USD), hành khách sẽ nhận được "nhiều hơn một trải nghiệm không trọng lực ngắn ngủi", Deep Blue Aerospace cho biết. "Hành khách sẽ được trải nghiệm sự bao la và bí ẩn của vũ trụ, chứng kiến khung cảnh tráng lệ ngoài Trái Đất. Đây sẽ là một chuyến du hành vũ trụ đa giác quan, toàn diện và cả đời không thể quên", công ty chia sẻ.
Deep Blue Aerospace cũng giới thiệu hình ảnh hệ thống bay cận quỹ đạo của mình - một tổ hợp tên lửa - tàu vũ trụ có thể tái sử dụng tương tự New Shepard của công ty Mỹ Blue Origin.
Tính đến hiện tại, New Shepard đã thực hiện 8 chuyến bay chở người đến vùng cận quỹ đạo, gần đây nhất là vào ngày 29/8. New Shepard có thể chở 6 hành khách. Họ sẽ trải nghiệm vài phút không trọng lực và ngắm nhìn Trái Đất nổi bật giữa nền vũ trụ tối đen, trong chuyến bay kéo dài 10 - 12 phút, tính từ khi cất cánh đến khi hạ cánh. Những chuyến bay cận quỹ đạo của Deep Blue Aerospace có khả năng sẽ tương tự như vậy.
Deep Blue Aerospace cho biết tàu vũ trụ sẽ phóng lên nhờ tên lửa đẩy tái sử dụng Nebula-1 của công ty. Tàu vũ trụ bay cao tối đa 100 - 150 km, có thể đưa hành khách vượt qua Đường Kármán và tiến vào rìa không gian.
Mô phỏng tổ hợp tên lửa và tàu vũ trụ chở khách của Deep Blue Aerospace (Ảnh: Deep Blue Aerospace)
Deep Blue Aerospace đã mở bán hai vé du lịch không gian trong một sự kiện phát sóng trực tiếp trên nền tảng thương mại điện tử "khổng lồ" của Trung Quốc, Taobao, vào ngày 24/10 và đã được mua ngay lập tức. Mỗi người mua trả phí đặt cọc 50 nghìn nhân dân tệ. Danh tính của hành khách mua vé hiện chưa được tiết lộ. Theo Global Times, điều kiện mua vé là trong độ tuổi 18 - 60 và có sức khỏe tốt. Tiếp theo, người mua sẽ phải trải qua một cuộc kiểm tra sức khỏe thể chất nghiêm ngặt để xác định xem họ có phù hợp cho chuyến bay hay không.
Với giá vé khứ hồi là 1,5 triệu nhân dân tệ (khoảng 210 nghìn USD), chỉ bằng chưa đến một nửa chi phí của chuyến bay cận quỹ đạo của công ty Mỹ Virgin Galactic. Virgin Galactic gần đây công bố mức giá 450 nghìn USD cho mỗi ghế trong hành trình khoảng 90 phút đến rìa không gian.
"Tàu cận quỹ đạo sẽ hạ cánh bằng hệ thống dù, đảm bảo hành khách trở về Trái Đất an toàn. Tổ hợp tàu vũ trụ - tên lửa cũng sẽ trải qua hàng chục thử nghiệm vào năm 2026 nhằm đảm bảo tính an toàn và đáng tin cậy", đại diện của Deep Blue Aerospace cho biết.
Deep Blue Aerospace không phải là công ty Trung Quốc duy nhất có kế hoạch tham gia thị trường du lịch không gian. CAS Space, công ty spinoff của Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (CAS), cũng đang phát triển một phương tiện chở người cận quỹ đạo và có thể hoạt động trong vài năm tới nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!