Mạng xã hội là ảo nhưng tổn hại gây ra là thật. Những bình luận ác ý, mang tính thù địch, những thông tin sai lệch, xuyên tạc lan tràn trên khắp mạng xã hội dưới những tài khoản ẩn danh. Những tài khoản danh tính giả mạo đã lừa đảo hàng triệu người với số tiền hàng trăm tỷ USD. Nhiều chính phủ đã có các giải pháp siết chặt việc quản lý tài khoản mạng xã hội, từ giới hạn độ tuổi cho đến định danh các tài khoản mạng xã hội
Tranh cãi về tính năng bình luận ẩn danh trên mạng xã hội
Việc có tài khoản mạng xã hội dưới một biệt danh khác là điều khá phổ biến. Nhiều người dùng thậm chí còn có cả tài khoản phụ. Tuy nhiên, từ sau khi nhiều mạng xã hội như Facebook, YouTube, Instagram hay TikTok có những đợt kiểm tra và xóa bỏ các tài khoản ảo, vi phạm quy định nền tảng thì việc sử dụng những tài khoản phụ đã cũng trở nên khó khăn hơn.
Từ tháng 9 năm nay, nhiều người dùng Việt Nam đã hào hứng khi có thể trải nghiệm tính năng bình luận ẩn danh trên mạng xã hội Facebook. Hiện tại, tính năng này dường như chỉ mới được áp dụng trong các hội nhóm (Group) trên Facebook.
Tính năng cho phép người dùng Facebook tham gia vào các cuộc thảo luận mà không cần tiết lộ danh tính thật. Khác với bình luận truyền thống, nơi người dùng phải sử dụng tài khoản cá nhân để đăng ý kiến của mình, tính năng này cho phép họ bày tỏ quan điểm một cách ẩn danh, không công khai. Bình luận ẩn danh cũng có thể giúp tạo ra không gian mạng an toàn để mọi người có thể chia sẻ những suy nghĩ, cảm xúc mà không sợ bị phán xét. Nhờ đó, sẽ có nhiều ý kiến đa dạng và khách quan hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh ưu điểm, việc cho phép những bình luận ẩn danh khiến một số người dùng lo ngại về hiện tượng giấu đi danh tính nhằm xúc phạm người khác, bắt nạt trực tuyến, tung tin giả.
Hệ lụy từ các tài khoản ẩn danh và giả mạo
Theo nghiên cứu của hãng bảo mật Kaspersky, cứ 10 người dùng khu vực châu Á - Thái Bình Dương thì có 3 người thừa nhận đang sở hữu tài khoản mạng xã hội không dùng tên và ảnh thật, không có thông tin nhận dạng cá nhân. Trong đó, mạng xã hội có số người dùng giấu danh tính nhiều nhất là Facebook (chiếm 70%), tiếp theo là YouTube và Instagram.
Khảo sát cũng chỉ ra rằng, việc ẩn danh cho phép các cá nhân dễ dàng thực hiện những hành vi gây hại do người dùng cảm thấy ít phải chịu trách nhiệm hơn với những phát ngôn đi quá giới hạn.
Không ít người dùng đang sở hữu tài khoản mạng xã hội không dùng tên và ảnh thật, không có thông tin nhận dạng cá nhân
Cô bé 15 tuổi Jamie Bushy đã đọc những lời xúc phạm về bản thân mình khi lướt qua những bình luận trên mạng xã hội. Buồn bực có, tức giận có nhưng Jamie không biết làm sao để tự vệ vì cô bé không biết những lời lăng mạ đó đến từ ai do tính năng đăng ẩn danh trên trang web Ask FM. Jamie và mẹ sau đó đã đến báo cáo về các hành vi, bình luận xúc phạm cô bé trên mạng. Nhưng việc điều tra ra danh tính những người viết ra bình luận đó không hề dễ dàng bởi tính ẩn danh.
Cùng với sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội, vấn nạn bắt nạt hoặc tự tử do bị bắt nạt trực tuyến đã gia tăng trong giới trẻ trên khắp thế giới.
Chị Tionna Haynes - một nạn nhân bị bắt nạt trực tuyến - chia sẻ: "Tôi nghĩ phần đáng sợ nhất là bạn không biết ai là người đăng những bài đăng đó. Thật khó khăn khi biết rằng tôi có thể đang ngày ngày trò chuyện với người mà họ sẵn sàng đăng những hình ảnh, biểu tượng để bôi nhọ trên mạng".
Trong khi đó, các quốc gia Đông Nam Á, nơi có số lượng người dùng mạng xã hội tương tác nhiều nhất thế giới, cũng đang chứng kiến sự gia tăng các vụ lừa đảo trên mạng xã hội và trang thương mại điện tử.
Theo Lực lượng Cảnh sát Singapore, riêng tại nước này, tổng số vụ lừa đảo đạt kỷ lục 46.563 vụ vào năm 2023, với tổng thiệt hại lên tới 486 triệu đô la Mỹ.
Các vụ lừa đảo chủ yếu xảy ra đối với các giao dịch mua bán trên Facebook và trang mua bán đồ cũ Carousell, nơi mà người mua và người bán hoạt động tự do và hầu hết không để danh tính hay thông tin liên lạc thật.
Tiến sĩ Robert Greene - Phó Giáo sư Lịch sử, Đại học Claflin - cho rằng: "Ai cũng có thể sử dụng Internet. Nhưng điều đó không có nghĩa là những kẻ bắt nạt, lừa đảo, gieo rắc thông tin được phép tấn công người khác và tính ẩn danh phần nào đồng lõa cho hành vi này. Vẫn còn những người muốn lợi dụng, lừa lọc, gây tổn thương người khác và việc ẩn mình sau công nghệ giúp điều này trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Và dù hình thức này là trực tuyến nhưng mức độ ảnh hưởng cũng tương tự như khi công kích nhau trực tiếp".
Các quốc gia siết chặt việc quản lý tài khoản mạng xã hội
Trước tình trạng các tài khoản ẩn danh hoặc giả mạo đăng những bình luận tiêu cực, mang tính thù địch hay thậm chí lan truyền thông tin sai lệch trên mạng xã hội, nhiều nước trên thế giới đã có các biện pháp siết chặt việc quản lý tài khoản mạng xã hội, từ giới hạn độ tuổi người sử dụng cho đến định danh người dùng.
Ngày 7/11 vừa qua, Thủ tướng Australia Anthony Albanese cho biết, chính phủ nước này sẽ đề xuất luật cấm sử dụng mạng xã hội đối với trẻ em dưới 16 tuổi do lo ngại các nguy cơ gây hại cho sức khỏe thể chất và tinh thần của các em. Các nền tảng mạng xã hội bị ảnh hưởng sẽ bao gồm Instagram, Facebook, TikTok và X. Ngoài ra, dịch vụ chia sẻ video YouTube cũng có khả năng nằm trong diện áp dụng nhưng sẽ nhận được một số quyền miễn trừ do nền tảng này là công cụ cần thiết để trẻ em sử dụng cho công việc học tập.
Thủ tướng Australia Anthony Albanese (Ảnh: AFP/TTXVN)
Thủ tướng Australia nhấn mạnh: "Mạng xã hội đang gây hại cho trẻ em Australia. Và tôi kêu gọi chấm dứt tình trạng này. Sự an toàn và sức khỏe tinh thần của trẻ em phải là ưu tiên hàng đầu. Chính phủ sẽ làm tất cả những gì có thể để bảo vệ trẻ em, đồng thời hỗ trợ cho các phụ huynh và giáo viên đang phải đối mặt với vấn đề này".
Thời gian qua, một số quốc gia đã tuyên bố sẽ sử dụng luật pháp để hạn chế trẻ em sử dụng mạng xã hội và Australia là một trong những nước có chính sách nghiêm ngặt nhất.
Năm ngoái, Pháp cũng đã đề xuất lệnh cấm sử dụng mạng xã hội đối với trẻ em dưới 15 tuổi. Người dùng có thể tránh lệnh cấm này nếu có sự đồng ý của cha mẹ, tuy nhiên, phụ huynh giám sát và chịu trách nhiệm với thông tin đăng tải trên mạng xã hội của con.
Còn tại Tây Ban Nha, một thẩm phán đã kêu gọi chấm dứt tình trạng ẩn danh trên mạng xã hội sau làn sóng thông tin sai lệch trực tuyến sau, với nội dung thù hận nhằm vào người di cư.
Ông Miguel Ángel Aguilar - Thẩm phán Tây Ban Nha - cho biết: "Sẽ rất thú vị khi xem mọi người cư xử như thế nào trên mạng xã hội nếu họ biết rằng họ có thể bị xác định danh tính và đặc biệt là nếu cơ quan tư pháp muốn biết họ là ai".
Tại Trung Quốc, muốn lập tài khoản xã hội, người dân đều phải đăng ký tên thật, số chứng minh nhân dân, số điện thoại di động thật. Người dân chỉ sử dụng mạng xã hội nội địa như Sina Weibo, Wechat, Tencent QQ, Douyin... Tài khoản mạng xã hội của phần nhiều các mạng còn liên kết với tài khoản ngân hàng của cá nhân đó để tạo mã quét QR, dùng cho thanh toán các chi phí mua sắm, đăng ký khám bệnh... Do vậy, người có tài khoản đó phải là người thật và phải bảo vệ chặt chẽ tài khoản của mình.
Định danh mạng xã hội để tham gia môi trường trực tuyến có trách nhiệm
Rất nhiều mạng xã hội phổ biến hiện thuộc sở hữu của các tập đoàn đa quốc gia, hoạt động xuyên biên giới, do đó, thách thức lớn nhất vẫn là việc các chính phủ tìm ra cách hài hòa các biện pháp để người dùng các nền tảng này tuân thủ quy định của mỗi nước.
Theo thống kê, Việt Nam đang có 76 triệu tài khoản mạng xã hội và cũng là 1 trong 10 nước có lượng người dùng Facebook và YouTube cao nhất thế giới. Để hạn chế những hệ lụy do các tài khoản mạng xã hội chưa thực hiện định danh, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
Nghị định bao gồm nhiều quy định mới, trong đó có việc quản lý cung cấp thông tin xuyên biên giới, xác thực tài khoản người dùng Internet, giám sát thông tin và ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật trên mạng. Trong đó quy định, người sử dụng mạng xã hội sẽ phải cung cấp tên thật và số điện thoại chính chủ. Chỉ những tài khoản thực hiện định danh mới có thể đăng tải bài viết, bình luận và sử dụng tính năng phát trực tiếp.
Ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông - cho rằng: "Xác thực tài khoản mạng xã hội là một trong những giải pháp rất quan trọng để ngăn chặn tội phạm lừa đảo trực tuyến, chống lại nhận thức sai lầm của nhiều người dùng Internet, đó là coi không gian mạng là không gian ảo và vì ảo nên lên mạng có thể nói, làm bất cứ điều gì, thậm chí là vi phạm pháp luật mà không sợ sự điều chỉnh của quy định pháp luật".
Ông Lê Quang Tự Do - Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông
Cũng theo các chuyên gia, việc xác thực người dùng sẽ tạo thuận lợi cho các cơ quan chức năng giám sát, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm.
Việc xác thực người dùng trên mạng xã hội thường được thực hiện qua ba hình thức là email, số điện thoại hoặc giấy tờ tùy thân. Trong đó, số điện thoại được đánh giá là phương án phù hợp ở Việt Nam, khi ngày càng có nhiều người dùng ứng dụng trên điện thoại di động. Bên cạnh đó, các nỗ lực định danh điện tử chuẩn hóa thông tin thuê bao cũng đang góp phần đẩy lùi tình trạng tài khoản ảo hay SIM rác, SIM không chính chủ.
Một số ứng dụng mạng xã hội phổ biến ở Việt Nam như Facebok, YouTube hiện cũng đã có các tiêu chuẩn yêu cầu người tham gia phải đáp ứng yêu cầu "chính chủ" tối thiểu như người tham gia phải để tên thật, cung cấp thông tin số điện thoại, email... để xác minh và tăng cường bảo mật.
Người dùng xác minh tài khoản khi gặp sự cố sẽ được nền tảng hỗ trợ, nếu không thì tài khoản đó sẽ không thể khôi phục khi bị tấn công mạng hay biến mất khi có các đợt càn quét tài khoản ảo.
Ngoài việc hạn chế các hành vi vi phạm, xác thực bằng số điện thoại cá nhân còn góp phần giúp người dùng nâng cao trách nhiệm và ý thức khi cung cấp thông tin lên mạng xã hội, từ đó hạn chế tình trạng phát ngôn bừa bãi, thông tin xấu độc, sai sự thật...
Với việc 100% công dân Việt Nam đã có mã số định danh hoặc căn cước công dân gắn chip, việc triển khai định danh trên mạng xã hội được cho là thuận lợi. Tuy nhiên, chỉ còn hơn 1 tháng nữa là Nghị định 147/2024/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng sẽ có hiệu lực. Các cơ quan quản lý và các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội sẽ đứng trước áp lực khối lượng công việc rất lớn phải chuẩn bị để thực thi. Đó là hành trình nhiều thách thức nhưng không thể khác để hoàn thiện một không gian số minh bạch, tin cậy, trở thành môi trường hấp dẫn với các nhà đầu tư, thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia cũng như xây dựng văn hóa ứng xử trên môi trường mạng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!