Theo RT đưa tin, ngày 20/2, ông Marius Nilsen - nghị sĩ đảng Tiến bộ của Na Uy - khẳng định, tỷ phú Elon Musk xứng đáng được nhận giải Nobel Hòa bình năm nay.
Nghị sĩ đảng Tiến bộ cho rằng, ông chủ Tesla đã "kiên quyết bảo vệ đối thoại, tự do ngôn luận và khả năng bày tỏ quan điểm của một người" trong một thế giới "phân cực hơn".
Điều này thể hiện qua việc Elon Musk mua lại mạng xã hội Twitter vào tháng 10/2022 vì nền tảng này có thiên hướng kiểm duyệt người dùng. Sau thương vụ, vị tỷ phú này đã sa thải phần lớn nhân viên và gỡ lệnh cấm đối với nhiều tài khoản, trong đó có tài khoản của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Lý do thứ hai được ông Marius Nilsen đưa ra cho nhận định trên là ông Elon Musk đã cung cấp hệ thống liên lạc vệ tinh Starlink, cho phép liên lạc và kết nối toàn cầu.
"Nhiều công ty mà ông Elon Musk thành lập, sở hữu hoặc điều hành đều nhằm mục đích cải thiện xã hội, nâng cao kiến thức về Trái đất và không gian, bên cạnh việc cho phép liên lạc và kết nối toàn cầu. Điều này giúp thế giới trở thành một nơi kết nối hơn và an toàn hơn" - nghị sĩ đảng Tiến bộ của Na Uy cho biết.
Giải Nobel Hòa bình là một trong 5 Giải Nobel được thành lập theo ý nguyện của nhà phát minh người Thụy Điển Alfred Nobel, cùng các giải thưởng về Hóa học, Vật lý, Y học và Văn học. Kể từ tháng 3/1901, giải thưởng đã được trao hàng năm cho những người đã "làm nhiều nhất hoặc làm việc tốt nhất cho tình anh em giữa các quốc gia, cho việc bãi bỏ hoặc giảm quân đội thường trực và cho việc tổ chức và thúc đẩy hội nghị hòa bình".
Giải Nobel là một giải thưởng quốc tế được công bố hằng năm kể từ năm 1901 nhằm vinh danh những cá nhân đạt thành tựu trong các lĩnh vực: Vật lý, Hóa học, Y học, Văn học và Hòa bình. Riêng giải Nobel Hòa bình có thể được trao cho cá nhân hay một tổ chức.
Đến năm 1968, Ngân hàng Thụy Điển đưa thêm vào hệ thống giải một giải thưởng về lĩnh vực Kinh tế để tưởng nhớ nhà khoa học Alfred Nobel - nhà phát minh đại tài, chủ nhân của 355 bằng sáng chế và cũng người sáng lập ra giải Nobel.
Sau khi qua đời vào năm 1896, Alfred Nobel đã để lại một bản di chúc gây kinh ngạc khi ông chỉ dành một phần nhỏ gia tài của mình cho bạn bè và người thân để "khỏi tạo nên những kẻ lười biếng", gần như toàn bộ tài sản còn lại được đem quy đổi tiền mặt, tương đương với 70 triệu Krona Thụy Điển lúc đó, để gửi ngân hàng. Theo di chúc của ông, số tiền lãi hàng năm sẽ trích ra, chia làm 5 giải thưởng tặng “cho những người có đóng góp lớn nhất cho nhân loại” trên các lĩnh vực: Vật lý, Hóa học, Sinh học (hoặc Y học), Văn chương và Hòa bình.
Giải Nobel Hòa bình năm 2024 dự kiến sẽ được công bố vào tháng 10. Những người được đề cử cho giải thưởng này có Giáo hoàng Francis, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg và nhiều tổ chức phi chính phủ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!