Facebook đã sử dụng núi dữ liệu thu thập từ người dùng để hỗ trợ một số đối tác và trừng phạt đối thủ. Các công ty như Airbnb, Netflix sẽ có quyền truy cập đặc biệt vào nền tảng của Facebook, trong khi đó mạng xã hội này sẽ cắt hoàn toàn quyền truy cập với những đơn vị được cho là mối đe dọa với họ.
Chiến lược trên bị lộ vào ngày 5/12 vừa qua, từ những email nội bộ cùng một số tài liệu của Facebook và các doanh nghiệp khác mà Nghị viện Anh công bố trong vụ điều ra rò rỉ thông tin trên mạng.
Các tài liệu chỉ ra những hành vi của Facebook từ năm 2012 đến 2015, giai đoạn công ty này phát triển bùng nổ khi họ nhận ra việc quản lý thông tin và tập hợp người dùng sẽ mang lại quyền năng lớn đến thế nào. Theo những tài liệu này, đã có nhiều tranh luận trong nội bộ các lãnh đạo của Facebook xem làm cách nào để tối ưu hóa lợi nhuận từ những gì họ đã gầy dựng được.
Các tài liệu này cũng chỉ ra cách Facebook triển khai kho dữ liệu đã được xử lý và vận dụng chúng để tạo ra những ưu thế chiến lược. Mark Zuckerberg và Sheryl Sandberg được cho là có liên quan mật thiết đến những quyết định nhằm làm lợi hết sức có thể cho mạng xã hội này.
Ví dụ, trong một cuộc trao đổi vào năm 2012, Zuckerberg đã thảo luận để tính phí những nhà phát triển khác nếu họ muốn truy cập vào dữ liệu người dùng của Facebook, và đồng thời, họ cũng phải chia sẻ dữ liệu ngược lại. Mark viết như sau: "Sẽ không tốt lành gì cho chúng tôi, trừ khi mọi người cũng chia sẻ dữ liệu cho chúng tôi nữa, và những nội dung đó sẽ gia tăng giá trị cho chúng tôi. Vậy nên, tốt hơn cả, tôi nghĩ rằng mục đích của nền tảng này, là để chia sẻ qua lại với Facebook"
Sau thông tin này, một số nhà làm luật ở Mỹ đặt ra câu hỏi rằng liệu Zuckerberg có nói sự thật khi hồi tháng 4 vừa rồi ông chủ Facebook đã cam đoan rằng mạng xã hội nàu không bán dữ liệu người dùng.
"Thông tin của người Mỹ thuộc về dân Mỹ, không phải Facebook" Nghị sỹ Edward J. Markey thuộc Đảng Dân Chủ bang Massachusetts đã tuyên bố." Bất cứ bằng chứng nào cho thấy việc dữ liệu được mua bán cũng sẽ như một cái tát vào những gì Facebook đã tuyên bố trước Quốc hội và công chúng".
Facebook từng cam đoan rằng họ không bán dữ liệu người dùng
Đa phần thông tin được tiết lộ trong các tài liệu đều không mới, nhưng những email thì lại cho chúng ta cái nhìn rõ hơn về những toan tính của giới quản lý cấp cao của Facebook và những nỗ lực của họ để gầy dựng nên vị thế vững chắc của mạng xã hội này trong suốt những năm qua. Vụ công bố những thông tin trên lại đúng vào lúc cộng đồng đang có một làn sóng phản đối với việc thu thập dữ liệu người dùng, vốn đã được đẩy lên cao từ vụ hãng tư vấn Cambridge Analytica đã sử dụng sai mục đích dữ liệu người dùng cũng trong năm nay.
Tập tài liệu dài 250 trang cũng nhắc đến giai đoạn Facebook chuyển mình từ nền tảng máy tính sáng các thiết bị di động. Sau nhiều năm chia sẻ dữ liệu rộng rãi với các đối tác, Facebook bắt đầu tính toán đến việc làm lợi từ nguồn dữ liệu này.
Cụ thể, với những công ty thân tín như Airbnb, Lyft và Netflix, Facebook có những thỏa thuận đặc biệt cho "danh sách trắng " này. Thỏa thuận này giúp các đối tác có quyền truy cập vào kho dữ liệu mà các công ty khác bị cấm cửa.
Nhưng với những công ty mà Facebook đánh giá là mối nguy hiểm, họ thậm chí còn nặng tay hơn. Năm 2013, khi Twitter ra mắt app Vine dành riêng cho video, Facebook đã đóng luôn quyền truy cập của công ty này vào dữ liệu bạn bè của họ.
"Trừ khi có ai đó phản đối, chúng tôi sẽ tắt quyền truy cập API với bạn bè của họ ngay hôm nay." Justin Osofsky, một giám đốc của Facebook đã viết trong email. Và Zuckerberg trả lời: "Được, tiến hành đi"
Các email cũng chỉ ra rằng, Facebook luôn khao khát dữ liệu và sự riêng tư của người dùng là một rào cản đến với mục tiêu tăng trưởng và tương tác của họ. Trong một email, các nhân viên đã bàn về việc làm sao để tránh được một cơn thịnh nộ của khách hàng khi một bản cập nhật của Facebook trên Android sẽ truy cập vào được lịch sử cuộc gọi của người dùng.
"Đây có vẻ là một bước đi đầy nguy cơ dưới góc độ PR, nhưng đội phát triển đã chấp nhận thử thách đó và tiến hành" Michael LeBeau, một nhân viên đã viết trong một email năm 2015.
Tài liệu cũng cho thấy rằng những công ty web và dịch vụ được "cài cắm" vào nền tảng của Facebook được phép nhận thông tin từ khách hàng. The Royal Bank của Canada từng yêu cầu truy cập trong một hồ sơ và cả các app hẹn hò như Badoo và Hot or Not.
Cùng lúc đó, Facebook cũng nâng cấp nền tảng của mình để có quyền kiểm soát cao hơn vào dữ liệu người dùng. Trong lần chuyển đổi này, Facebook nhấn mạnh rằng tính riêng tư của người dùng cũng sẽ được nâng cấp. Tuy nhiên, những tài liệu được công bố lại chỉ ra rằng, Facebook chỉ đang cố tạo thêm hàng rào thông tin, nhằm phục vụ cho việc kinh doanh của họ.
"Nếu không giới hạn quyền phân phối hay truy cập vào danh sách bạn bè đang dùng app này, tôi không nghĩ chúng ta còn có cách nào khác để buộc các nhà phát triển trả tiền cho chúng ta ngoài việc trả tiền quảng cáo và phí duy trì." Zuckerberg đã viết trong một email năm 2012.
Các email cũng phơi bày cách Facebook phản biện rằng có nên cấm các nhà phát triển truy cập vào một số dữ liệu trừ khi họ mua quảng cáo, một chính sách mà Facebook hiện nói rằng chưa bao giờ được thực thi.
Trong những tài liệu trên, các nhân viên cũng viết ra nhiều cách khiến các dịch vụ khác không thể sử dụng dữ liệu từ Facebook để mạng xã hội này có thể tự xây dựng dịch vụ riêng.
"Tại sao lại để Pinterest và Path đọc được dữ liệu của chúng ta, xây dựng một app độc lập, rồi dùng chính những nội dung trả tiền của chúng ta để hoàn lại cho chúng ta?" Mike Vernal, một cựu giám đốc Facebook đã nói.
Facebook cũng dựa vào dữ liệu của Onavo, một công ty mà họ đã mua lại vào năm 2013. Onavo có hàng loạt các app cho phép người dùng kiểm soát dữ liệu của họ và bảo vệ chúng khỏi virus và các phần mềm độc hại. Những app này, mỗi app có một tệp khách hàng riêng, và tất cả đều gửi những dữ liệu giá trị về cho Facebook.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!