Quy định mới do Bộ Điện tử & Công nghệ Thông tin (MEITy) nước này đưa ra đối với các nền tảng trung gian, có hiệu lực từ ngày 26/5.
Thời hạn để chấp thuận các quy định mới sẽ kết thúc vào ngày 25/5 nhưng cho đến nay vẫn chưa có nền tảng nào gồm WhatsApp, Facebook, Instagram và Twitter tuân thủ bộ quy định mới. Koo, phiên bản Ấn Độ của Twitter, là ứng dụng truyền thông xã hội duy nhất tuân thủ các quy định mới trước thời hạn chót.
Hồi tháng 2/2021, MEITy đặt ra thời gian ba tháng để các nền tảng xã hội tuân thủ quy định mới, nếu không họ sẽ bị tước quy chế nền tảng trung gian cũng như quyền miễn trừ và sẽ phải đối mặt với biện pháp hình sự chiểu theo luật pháp của Ấn Độ.
Nhờ quy chế nền tảng trung gian, các mạng truyền thông xã hội được miễn trừ trách nhiệm pháp lý đối với bất kỳ thông tin và dữ liệu nào của bên thứ ba được lưu trữ trên nền tảng của họ. Các công ty có trụ sở tại Mỹ nêu trên đã đề nghị có thời hạn 6 tháng vì họ đang chờ phản hồi từ Mỹ.
Theo một người phát ngôn của Facebook, công ty này muốn tuân thủ các quy định mới và tiếp tục thảo luận một số vấn đề cần có sự trao đổi nhiều hơn với Chính phủ Ấn Độ. Căn cứ vào các quy định này, Facebook đang nỗ lực triển khai các quy trình hoạt động và nâng cao hiệu quả. Người này khẳng định Facebook giữ cam kết giúp người dùng có thể tự do và an toàn bày tỏ quan điểm trên nền tảng của công ty.
Theo các quy định mới do MEITy công bố, các nền tảng truyền thông xã hội sẽ phải chỉ định các nhân viên phụ trách vấn đề tuân thủ tại Ấn Độ. Người này sẽ xem xét các khiếu nại, giám sát nội dung và xóa bỏ chúng nếu các nội dung đó bị phản đối. Các quy định này không chỉ áp dụng cho các nền tảng truyền thông xã hội mà còn cho cả các nền tảng chiếu phim trực tuyến (OTT) như Netflix, Amazon Prime. Các ứng dụng này sẽ phải chỉ định một nhân viên giải quyết khiếu nại có trụ sở tại Ấn Độ, người sẽ tiếp nhận các khiếu nại và xử lý chúng trong vòng 15 ngày.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!