Giải mã trào lưu NFT - công nghệ được coi là "mỏ vàng" sau Bitcoin

Theo Dân trí-Thứ tư, ngày 17/03/2021 16:34 GMT+7

VTV.vn - Bitcoin chưa hạ nhiệt, song một trào lưu khác đã xuất hiện, thu hút đông đảo giới tỷ phú trên toàn cầu và hàng triệu USD tiền giao dịch.

Trong clip mới nhất được đăng tải trên trang cá nhân, tỷ phú Elon Musk bất ngờ tham gia trào lưu NFT (Non Fungible Token), với việc "chào hàng" một đoạn clip nhạc điện tử (EDM) do Tesla sản xuất.

"Tôi sẽ bán bản nhạc nói về NFT dưới dạng NFT", Elon Musk mô tả về bản nhạc có tên tạm gọi là "Vanity Trophy" - dựa trên hình ảnh xuất hiện bên trong clip.

Chỉ sau ít giờ, trên sàn giao dịch NFT Valuables, đoạn tweet chứa bản nhạc của Elon Musk đang được trả giá lên tới 1,12 triệu USD. Tuy nhiên, vị tỷ phú người Mỹ vẫn chưa công bố giá khởi điểm của bản nhạc điện tử này.

Còn NFT thì được nhiều tờ báo quốc tế nhắc tên, với đánh giá như một "cơn sốt" mới sau Bitcoin.

NFT là gì?

NFT, viết tắt của Non Fungible Token (tạm dịch: Token không thể thay thế) là một dạng vật phẩm ảo được xác thực bằng công nghệ blockchain, có chữ ký số của người sở hữu - hay còn gọi là chuỗi mã NFT.

Mặc dù không có giá trị hữu hình, song mã NFT sở hữu những đặc tính giống Bitcoin như lưu trữ trên chuỗi khối, không thể phá hủy, và không thể sao chép - có nghĩa nó là duy nhất.

Nhờ vậy, các nhà đầu tư NFT sẽ thu lại giá trị sở hữu độc quyền khi họ mua bán, sưu tầm các món hàng quý hiếm, có giá trị cao. Một khi được được chứng nhận bởi chuỗi mã NFT, món hàng sẽ trở thành duy nhất.

Giải mã trào lưu NFT - công nghệ được coi là mỏ vàng sau Bitcoin - Ảnh 1.

Gian hàng NFT với nhiều vật phẩm, tài sản ảo, video clip,...do người dùng đăng tải, sau đó được mua dưới dạng mã NFT.

Giao dịch NFT cũng diễn ra khá đơn giản. Người mua sau khi trả tiền, sẽ nhận được một chuỗi ký tự gồm số và chữ cái, kèm theo một file JPG của sản phẩm. Mã này sẽ được lưu lại trên blockchain của Ethereum, sau đó chuyển vào ví điện tử cá nhân của người dùng.

Nhưng tại sao lại là Ethereum thay vì Bitcoin? Lý do Ethereum trở nên phổ biến và có tính ứng dụng cao hơn Bitcoin, là vì nó có thể xử lý các giao dịch bên ngoài blockchain một cách linh hoạt.

Theo một vài chuyên gia về blockchain, đây có thể là cách xác thực quyền sở hữu một vật phẩm nào đó trong kỷ nguyên số tương lai.

Tính ưu việt và rủi ro của NFT

Nhờ ứng dụng công nghệ blockchain, nhà đầu tư và game thủ có thể kiếm tiền bằng cách bán vật phẩm trong game, hay các loại tài sản ảo dưới dạng NFT.

Theo Coindesk, một game thủ mới đây đã bán hàng loạt lô đất trong Decentraland (một nền tảng thực tế ảo được hỗ trợ bởi Ethereum) với giá 80.000 USD.

Giải mã trào lưu NFT - công nghệ được coi là mỏ vàng sau Bitcoin - Ảnh 2.

Bức ảnh có tựa đề "Everdays: The First 5000 days" được mua lại với giá hơn 69 triệu USD sau khi có NFT.

Ngoài ra, cũng có những người chấp nhận chi ra gần 390.000 USD cho một đoạn video dài 50 giây của Grimes, hay bỏ 6,6 triệu USD để mua một đoạn video của Beeple - một nhà thiết kế đồ họa nổi tiếng ở South Carolina (Mỹ).

Theo CNBC, rất nhiều nhà đầu tư đã kiếm hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu USD từ cơn sốt này.

Trong đó, có thể kể đến NBA Top Shot, một nền tảng liên kết với Liên đoàn bóng rổ Mỹ đã thu về gần 150 triệu USD nhờ mua bán các NFT video của các trận đấu bóng rổ.

CryptoPunks - một dự án cung cấp 10.000 bức vẽ NFT, mở đầu cho trào lưu này từ năm 2017, vừa chứng kiến mức doanh thu tăng vọt lên 45 triệu USD trong một tuần.

YouTuber Logan Paul cũng theo trào lưu này, khi anh bán các NFT dạng video ngắn, chủ yếu tự cắt ghép từ kênh YouTube của mình, và có người đã trả hơn 20.000 USD cho một NFT như vậy.

Giải mã trào lưu NFT - công nghệ được coi là mỏ vàng sau Bitcoin - Ảnh 3.

Dẫu vậy, nhiều nhà phê bình xem rằng NFT chỉ là một trào lưu đầu tư nhất thời, khó tồn tại lâu dài, và có thể sẽ khiến người ta nhớ lại lại vụ nổ "bong bóng" ICO năm 2017.

Nadya Ivanova - giám đốc điều hành của L'Atelier cho biết: "Có rất nhiều rủi ro. Điều quan trọng cần biết là thị trường NFT còn rất mới. Ta vẫn cần phải qua nhiều chu kỳ khác nhau mới có thể thiết lập giá trị thực của chúng".

Trên thực tế, không ai thể bảo đảm giá trị của các đoạn mã token sẽ tồn tại sau vài chục năm tới, hay tính duy nhất của vật phẩm sẽ không còn được duy trì nếu có một sự can thiệp nào đó.

Cũng cần lưu ý rằng do đoạn mã được gán với ví điện tử, nên nếu chủ sở hữu quên (hoặc bị mất) mật khẩu, họ có thể sẽ đánh mất quyền sở hữu vật phẩm.

Ngoài ra, do mọi hoạt động liên quan đến NFT đều diễn ra trên mạng lưới Ethereum nên phí giao dịch để chuyển quyền sở hữu NFT từ người tạo cho người mua là rất cao.

Ngoài ra, do thị trường NFT bùng nổ đáng kinh ngạc thời gian gần đây, nó đã thu hút sự quan tâm của giới tội phạm mạng, với một số vụ việc như đánh cắp thẻ tín dụng để đăng ký mua vật phẩm ngoài mong muốn của chủ nhân. Một số chuyên gia bảo mật nhận định, hacker còn có thể nhắm mục tiêu trực tiếp tới người dùng thông qua điện thoại di động sau khi tấn công tài khoản của họ trên các nền tảng giao dịch NFT.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước