Sự việc đau lòng gần đây nhất là vụ việc một nghi can là nam sinh lớp 11 có liên quan trực tiếp đến vụ cháu bé 5 tuổi tại Nghệ An tử vong bất thường sau khi mất tích. Theo lời khai ban đầu, nghi can này cho rằng "làm theo game".
Vào tháng 5 năm ngoái, một thanh niên đã xông vào một trường tiểu học ở Thanh Hóa, dùng dao đâm chém loạn xạ vào học sinh. Thanh niên này có biểu hiện nghiện game khi nhốt mình trong phòng chơi game suốt ngày.
Nhiều chuyện đáng tiếc đã xảy ra, tuy nhiên, điều đáng nói hiện nay là không ít phụ huynh vẫn chưa coi việc con mình đang ngày càng nghiện game là vấn đề nghiêm trọng.
Những hình ảnh không khó tìm thấy ở những tiệm game đầy ắp những bạn trẻ nghiện trò chơi điện tử trực tuyến. Thậm chí khi bị gia đình phát hiện, ngăn cấm, nhiều em đã trốn đi chơi lúc nửa đêm.
Theo các chuyên gia, một số em bắt đầu chơi game để kiếm tiền. Ban đầu chơi 8 tiếng/ngày, dần dần chơi quên ăn quên ngủ, thậm chí bỏ nhà đi vì game gây nghiện như ma túy. Nhiều gia đình đã tìm đến các trung tâm tham vấn tâm lý hoặc trường nội trú chuyên biệt để cắt cơn "nghiện" cho con.
Với những trò chơi bạo lực, game online ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến tâm sinh lý của trẻ em. Chính vì vậy, biện pháp đầu tiên để ngăn chặn những hậu quả của nghiện game là phụ huynh cần giám sát con em mình, tăng cường các hoạt động thể chất lành mạnh, tránh nguy cơ gây nghiện sẽ rất khó điều trị.
Ranh giới của việc chơi game và nghiện game là hết sức mong manh. Vì vây, việc này sẽ cần sự sát sao từ phía nhà trường và gia đình, bởi nếu lơ là, những đứa trẻ khi đã bước qua ranh giới này sẽ chịu những tác động lớn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!