Hoàn thiện quy định quản lý hạ tầng viễn thông số

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 27/11/2023 16:10 GMT+7

VTV.vn - Luật viễn thông (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thúc đẩy phát triển các loại hình dịch vụ mới với mục tiêu đảm bảo an ninh chiến lược cho hạ tầng viễn thông.

Luật viễn thông (sửa đổi) vừa được Quốc hội chính thức thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Luật bổ sung những quy định về quản lý các dịch vụ viễn thông mới như: các dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (được gọi tắt là OTT viễn thông), trung tâm dữ liệu, dịch vụ điện toán đám mây. Điều này phù hợp với xu thế phát triển viễn thông, góp phần hoàn thiện hạ tầng số, tạo nền tảng thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia.

Tại Việt Nam, hiện có khoảng 74 triệu người dùng Zalo với khoảng 2 tỷ tin nhắn/ngày. Facebook Messenger đạt 52,65 triệu người dùng. 31,5% người dùng ở độ tuổi 16 - 64 có sử dụng Telegram.

Chỉ cần kết nối Internet, không cần tới hạ tầng mạng, các ứng dụng này có thể thực hiện tính năng hội thoại, nhắn tin giống như các dịch vụ viễn thông cơ bản, thậm chí xuyên biên giới mà không chịu bất kỳ sự quản lý nào. Từ đó dẫn đến các nguy cơ mất an toàn, an ninh thông tin, không bảo đảm đầy đủ quyền lợi của người sử dụng.

Hoàn thiện quy định quản lý hạ tầng viễn thông số - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Thành Phúc - Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông

Ông Nguyễn Thành Phúc - Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông - cho rằng: "Dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi được thông qua thì chúng ta sẽ chính thức quản lý loại hình dịch vụ OTT viễn thông, đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống với các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông OTT. Và đặc biệt là chúng ta sẽ có những quy định để bảo vệ quyền lợi người sử dụng và đảm bảo về an ninh an toàn".

Đối với trung tâm dữ liệu và dịch vụ điện toán đám mây, Luật viễn thông (sửa đổi) quy định cho phép doanh nghiệp cung cấp dịch vụ 100% vốn đầu tư nước ngoài khi hoạt động tại Việt Nam chỉ cần thông báo hoặc đăng ký với cơ quan quản lý và không thu phí quyền, không yêu cầu đóng góp Quỹ phổ cập dịch vụ viễn thông… Các đơn vị cung cấp dịch vụ cũng phải có nghĩa vụ đảm bảo an ninh, quyền lợi của người sử dụng. Đây là phương thức quản lý mềm nhằm tạo điều kiện phát triển cho các doanh nghiệp.

Hoàn thiện quy định quản lý hạ tầng viễn thông số - Ảnh 2.

Ông Vũ Hoàng Liên - Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam

Ông Vũ Hoàng Liên - Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam - cho biết: "Sửa đổi luật lần này sẽ tạo ra một nét rất mới, cởi mở hơn cho các nhà cung cấp dịch vụ, đảm bảo quản lý chất lượng nhiều hơn, trách nhiệm các nhà cung cấp dịch vụ rõ ràng hơn, bảo vệ quyền lợi của người dùng. Và đặc biệt là kỳ vọng, tuy là luật trong nước nhưng sẽ tạo điều kiện cho các nhà cung cấp dịch vụ trong nước mạnh dạn mở và khai thác thị trường bên ngoài Việt Nam".

Ông Nguyễn Quang Đông - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông - cho rằng: "Quy định về mặt hình thức cung cấp dịch vụ, hình thức tham gia thị trường, vận hành, cơ chế giữa bên cung cấp dịch vụ và người sử dụng dịch vụ. Với hành lang pháp lý như vậy ở mức cơ bản vừa tạo thuận lợi nhưng cũng tạo điều kiện để các văn bản quy định dưới luật có không gian để quy định cụ thể hơn".

Với những điểm mới trên, Luật viễn thông (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thúc đẩy phát triển các loại hình dịch vụ mới với mục tiêu đảm bảo an ninh chiến lược cho hạ tầng viễn thông, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của sử dụng dịch vụ ở Việt Nam, góp phần hỗ trợ xử lý những vi phạm nội dung thông tin như phát tán tin nhắn lừa đảo, thông tin xấu, độc.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước