Một con tàu không bánh xe, lao vun vút với vận tốc trên 1.000 km/h trong một đường ống với môi trường gần như chân không. Hành khách ngồi bên trong, di chuyển từ thành phố này sang thành phố khác chỉ trong vài chục phút. Đó chính là Hyperloop - phương tiện giao thông của tương lai, được ví như máy bay trên đường bộ. Liệu Hyperloop có thể sớm được thương mại hóa trong thập kỷ này, trở thành phương tiện đi lại và vận chuyển mang tính cách mạng của con người?
Đây có phải cách mà chúng ta sẽ đi lại trong tương lai? Điều có thể chắc chắn lúc này là Hyperloop đã có chuyến chạy thử nghiệm thành công với hành khách bên trong.
Với vận tốc tối đa được kỳ vọng lên tới 1.200 km/h, thời gian đi lại giữa các thành phố với Hyperloop sẽ giảm đi đáng kể. Ví dụ như tại Mỹ, thời gian đi từ Cleveland đến Chicago chỉ mất 28 phút - nhanh gấp 3 lần so với di chuyển bằng máy bay.
Ông Andrés De León - Giám đốc điều hành Công ty HyperloopTT cho rằng: "Tôi nghĩ chỉ trong một vài năm nữa, chúng ta sẽ có thể di chuyển trên những con tàu Hyperloop".
HyperloopTT có trụ sở tại California, Mỹ là một công ty khởi nghiệp đầy hứa hẹn trong lĩnh vực này, với 800 nhân viên trên toàn cầu và số vốn ban đầu lên tới 31 triệu USD. Theo công ty, để đưa công nghệ này vào ứng dụng thực tế, trước tiên cần có sự phê duyệt của cơ quan chức năng. Ngoài ra, kinh phí để xây dựng các đường ống chân không rất tốn kém. Tại Ấn Độ, tuyến đường đang được quy hoạch dành cho Hyperloop chạy từ thành phố Pune đến Mumbai chạy ngầm dưới lòng đất có kinh phí dự tính lên tới 8 tỷ USD - một con số khiến mọi nhà đầu tư đều phải e ngại, nhưng không phải là không có tiềm năng.
Ông Andrés De León nói: "Về cơ bản không thể dựa vào tiền từ nhà nước. Một nghiên cứu đã chứng minh rằng, nếu các nhà đầu tư tư nhân rót tiền vào Hyperloop thì thời gian hoàn vốn sẽ rơi vào khoảng 25 năm, đó là khi tính giá vé chỉ bằng 75% giá vé của các phương tiện hiện nay".
Di chuyển với tàu Hyperloop có nhiều điểm chung với việc bay vào không gian với tàu vũ trụ, hành khách được bao quanh bởi một vùng chân không. Môi trường gần như chân không trong ống Hyperloop giúp giảm ma sát và giảm lực cản của không khí, khiến cho tốc độ đạt được siêu cao. Nhưng chỉ một vết nứt nhỏ trong hệ thống cũng có thể ảnh hưởng đến hành khách. Đây là vấn đề kỹ thuật mà các công ty cần xem xét trong quá trình phát triển Hyperloop.
Theo ông Gabriele Semino - Thành viên dự án phát triển Hyperloop, Đại học TU Munich, Đức: "Trong trường hợp xuất hiện vết nứt hoặc hở, tàu sẽ phải phanh rất nhanh. Hành khách sẽ phải đeo mặt nạ dưỡng khí, giống như trên máy bay. Đây là những khả năng mà chúng tôi đã xem xét tới".
Trong bối cảnh cơ sở hạ tầng giao thông hiện đang không thể đáp ứng được nhu cầu của người dân và tình trạng tắc nghẽn giao thông đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, các chính phủ, các thành phố và các công ty công nghệ trên thế giới đều đang dành nhiều sự quan tâm cho Hyperloop. Khi bài toán về kinh tế và pháp lý được tính toán hợp lý, viễn cảnh con người đi lại với Hyperloop trong thập kỷ này là hoàn toàn khả thi.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!