Bước vào kỷ nguyên AIoT (Artificial Intelligence of Things), sự kết hợp giữa trí tuệ nhân tạo (AI) và Internet vạn vật (IoT) tạo ra các hệ thống thông minh với khả năng tự động hóa và xử lý dữ liệu theo thời gian thực. Hạ tầng trung tâm dữ liệu DC (Data Center), Cloud và các công nghệ kết nối tân tiến như 5G, 6G, Wi-Fi 6E, Wi-Fi 7… đóng vai trò vô cùng quan trọng, giúp hỗ trợ việc tích hợp và tối ưu hóa hệ sinh thái AIoT với nền tảng hạ tầng để hỗ trợ khả năng tính toán mạnh mẽ, tốc độ truyền tải dữ liệu nhanh chóng và tính linh hoạt cần thiết cho các ứng dụng AI và IoT.
Trong bối cảnh đó, dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông, Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) phối hợp Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) tổ chức Hội thảo, Triển lãm Internet Day 2024 với chủ đề "Bước tiến mới cho Internet Việt Nam - Bứt phá với DC, Cloud, 5G & AI".
Phát biểu khai mạc sự kiện, ông Vũ Hoàng Liên - Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam - cho rằng, Internet Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển quan trọng. Từ năm 1991 - 1997 là giai đoạn khởi đầu và thử nghiệm nổi bật bằng sự kiện quan trọng ngày 19/11/1997, Việt Nam chính thức kết nối Internet với thế giới. Từ năm 1998 - 2003 là giai đoạn phổ cập ban đầu với sự xuất hiện của các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) đầu tiên xuất hiện, bao gồm VNPT, NetNam và FPT với số lượng người dùng Internet tại Việt Nam vượt mốc 1 triệu vào 2003. Từ năm 2004 - 2010 là giai đoạn phát triển bùng nổ với việc Internet ADSL (băng thông rộng) được triển khai rộng rãi, thay thế dial-up; Việt Nam đạt mốc 20 triệu người dùng Internet, chiếm khoảng 24% dân số vào khoảng 2008. Từ năm 2011 - 2015 là giai đoạn chuyển đổi sang Internet di động cùng sự phát triển của smartphone, 3G và thử nghiệm 4G LTE; năm 2014 đánh dấu Việt Nam đạt mốc hơn 40% dân số sử dụng Internet. Từ năm 2016 đến nay là kỷ nguyên băng thông rộng và IoT với các bước tiến như 4G chính thức triển khai trên toàn quốc, thử nghiệm và triển khai mạng 5G, đẩy mạnh ứng dụng IoT trong sản xuất và đời sống, Wi-Fi 6 và Wi-Fi 6E bắt đầu được quan tâm. Theo dự báo của Statista.com, số lượng người dùng Internet tại Việt Nam được dự báo sẽ liên tục tăng trong giai đoạn 2024 - 2029, ước tính sẽ đạt 100,19 triệu người dùng vào năm 2029.
Ông Vũ Hoàng Liên - Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam - phát biểu khai mạc Internet Day 2024
"Mỗi giai đoạn đều đánh dấu sự thay đổi không chỉ về công nghệ mà còn về văn hóa sử dụng Internet tại Việt Nam. Tương lai của Internet Việt Nam hứa hẹn nhiều đột phá lớn khi công nghệ đang thay đổi nhanh chóng và nhu cầu chuyển đổi số ngày càng mạnh mẽ. Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam tiếp tục cho thấy sự tích cực trong thúc đẩy chuyển đổi số, mở rộng phổ cập Internet đến vùng sâu, vùng xa" - ông Vũ Hoàng Liên nhấn mạnh.
Hiện tại, Việt Nam xếp thứ 5 trong ASEAN về chỉ số sẵn sàng AI toàn cầu được công bố trong Báo cáo "Chỉ số sẵn sàng AI của chính phủ" do Oxford Insights thực hiện. Các nghiên cứu gần đây cho thấy, thị trường trung tâm dữ liệu Việt Nam được dự báo sẽ có sự bùng nổ với quy mô đến năm 2030 đạt 1,26 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng kép bình quân gần 11%...
Nhiều chuyên gia nhận định, 2024 là thời điểm chín muồi triển khai kinh doanh dịch vụ 5G tại Việt Nam, bên cạnh đó các nhà cung cấp công nghệ kết nối tân tiến trên thế giới (Internet vệ tinh, Wi-Fi 6E… ) như Meta, SpaceX… đều đang muốn gia nhập thị trường Việt Nam. Theo báo cáo “Kinh tế số Đông Nam Á năm 2024” do Google - Temasek công bố ngày 5/11, ước tính quy mô nền kinh tế Internet Việt Nam đạt 36 tỷ USD trong năm nay, tăng 16% so với năm ngoái. Thương mại điện tử bán lẻ vẫn tiếp tục là trụ cột khi đóng góp 22 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ và chiếm 61% tổng quy mô nền kinh tế Internet…
Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cho rằng, cơ hội mở ra cho doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam là rất lớn.
"Câu hỏi đặt ra là: Làm sao để doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của thị trường với số lượng người dùng Internet Việt Nam ước tính sẽ đạt 100,19 triệu người dùng vào năm 2029? Bởi rõ ràng với sự sẵn sàng về hạ tầng và sự quan tâm từ Chính phủ, Việt Nam có tiềm năng trở thành một trung tâm đổi mới trong kỷ nguyên AIoT. Tuy nhiên, để thực sự bứt phá, cần sự hợp tác mạnh mẽ giữa nhà nước, doanh nghiệp, và cộng đồng công nghệ. Hy vọng Internet Day 2024 sẽ mang đến phần nào những định hướng chính xác để giúp doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tìm được lời giải cho câu hỏi trên" - ông Vũ Hoàng Liên cho biết.
Ông Nguyễn Thành Phúc - Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông - phát biểu tại sự kiện
Chia sẻ tại sự kiện, ông Nguyễn Thành Phúc - Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) - cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá cao sự hợp tác và những đóng góp liên tục của Hiệp hội Internet Việt Nam. Vai trò của Hiệp hội Internet Việt Nam là không thể thiếu trong việc xây dựng một hệ sinh thái Internet năng động, có trách nhiệm và an toàn, hỗ trợ đổi mới và phát triển kinh tế, xã hội. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp viễn thông, Internet, doanh nghiêp công nghệ số vượt qua các thách thức và tạo ra cơ hội phát triển trong thời đại số.
Ông Andrew Goledzinowski - Đại sứ Australia tại Việt Nam - chia sẻ tại sự kiện
Tại Hội thảo, Triển lãm Internet Day năm nay, một số đề tài tham luận được trình bày đã thu hút sự quan tâm của các độc giả như: Cloud Native và AI; Wi-Fi 6E, Wi-Fi 7; chiến lược 5G, dịch vụ mới cho 5G; ứng dụng Edge Native - giải phóng sức mạnh của Edge... tạo ra giá trị mới cho băng thông rộng cố định...
Trong khuôn khổ sự kiện, hội thảo bàn tròn về điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu Việt Nam với chủ đề "DC cho kỷ nguyên AI và công bố VNCDC Report 2024” đã được tổ chức để thảo luận. Chương trình cũng công bố Báo cáo Điện toán đám mây và Trung tâm dữ liệu Việt Nam (VNCDC Report 2024).
Tọa đàm Bước tiến mới cho Internet Việt Nam do ông Phạm Anh Chiến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam - làm chủ tọa
Hội thảo, Triển lãm Internet Day 2024 có sự tham gia của các doanh nghiệp hàng đầu lĩnh vực công nghệ thông tin - Internet như VNPT, Viettel IDC, FPT Telecom, Netnam, Akamai, ZTE, MobiFone… Đây là cơ hội để lắng nghe, chia sẻ và thảo luận về những vấn đề quan trọng của ngành công nghệ thông tin, là dịp để học hỏi và tương tác trực tiếp với các chuyên gia hàng đầu trong ngành công nghệ thông tin, giúp các doanh nghiệp công nghệ thông tin kết nối và chia sẻ những thông tin công nghệ mới nhất hiện nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!