Đây là phát biểu của ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT về những cơ hội từ xu hướng Internet of things (IoT) mang lại. Cũng theo ông Bình, xu hướng này xóa nhòa danh giới thế giới thực và thế giới số, là cơ hội rất lớn để từng doanh nghiệp, tổ chức, thậm chí cả đất nước thay đổi và phát triển.
Lấy ví dụ trong lĩnh vực y tế. Tại Singapore, bệnh viện NKS dành riêng cho những người lớn tuổi với chế độ chăm sóc và theo dõi sức khỏe 24/24h. Dự kiến vào năm 2016, FPT sẽ cung cấp dịch vụ y tế thông minh cho bệnh viện này. Theo đó, mỗi bệnh nhân sẽ được đeo một chiếc vòng, có thể thu thập thông tin tình hình sức khỏe, đưa ra những chẩn đoán liên tục.
Việc ứng dụng những dịch vụ y tế điện tử tương tự như thế này tại Việt Nam sẽ giúp giải quyết những bài toán nan giải như tình trạng quá tải bệnh viện, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Bệnh viện điện tử giúp giải quyết nhiều bài toán của ngành y tế.
Nông nghiệp chính xác là khái niệm được ông Trương Gia Bình nhắc tới trong bài phát biểu tại Ngày hội Internet Việt Nam. Khi dân số thế giới đang tăng lên từng ngày, một trong những vấn đề đặt ra là là bài toán lương thực.
Ứng dụng Internet of things, toàn bộ dữ liệu liên quan đến con vật, cây cối, đất đai, điều kiện khí hậu sẽ được kết nối. Ngành nông nghiệp sẽ được tự động hóa thông qua thiết bị cầm tay: kích hoạt hệ thống tưới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…
Công nghệ sẽ tham gia vào tất cả các khâu, từ sản xuất, phân phối, xuất khẩu với nền tảng máy móc đảm bảo. Hiện tại nhiều hãng công nghệ lớn trên thế giới như Toshiba, Panasonic cũng đã tham gia vào việc cung cấp giải pháp cho lĩnh vực nông nghiệp.
Với nước nông nghiệp và có thế mạnh xuất khẩu nông sản như Việt Nam, một nền nông nghiệp chính xác, có sự tham gia của internet và hạ tầng công nghệ sẽ tạo ra những giá trị lớn chưa từng có.
Trong công nghiệp, Internet of things có thể tạo ra những biến đổi mạnh mẽ. Đơn cử trong ngành hàng không, đã có những chiếc máy bay được kết nối như một chiếc computer. Dữ liệu chuyến bay có thể truyền liên tục xuống mặt đất; hành khách không có cảm giác về áp suất, độ rung lắc.
Hệ thống giao thông thông minh với trạm thu phí không dừng, hệ thống định vị trực tuyến với dữ liệu được cung cấp liên tục hay sự xuất hiện của smart car, smart train… giúp giảm thiểu số vụ tai nạn, rút ngắn thời gian di chuyển, ngăn chặn tiêu cực và tăng liệu quả đầu tư.
Hiện tại trên thế giới đã có 11,8 tỷ thiết bị kết nối. Trong 5 năm nữa con số này sẽ tăng thêm ít nhất 5 lần, là tương lai rõ ràng của xu hướng Internet of things.
IoT là làn sóng công nghệ mới đang lan rất mạnh tại nhiều quốc gia, cho phép mang lại công nghệ mới đột phá, từ đó xây dựng quốc gia thông minh. Còn tại Việt Nam, IoT đang bước đầu có những sản phẩm như smarthome, trạm thu phí điện tử… với việc đẩy mạnh ứng dụng vào các lĩnh vực như giao thông, y tế, nông nghiệp, IoT có thể tạo ra cơ hội rất lớn cho phát triển đất nước.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!