Mạng Internet tốc độ cao là một nhu cầu thiết yếu trong cả công việc và đời sống đối với mỗi người hiện nay. Cũng vì thế, việc đăng ký lắp đặt thuê bao Internet hiện đang dễ dàng hơn. Để cạnh tranh và phát triển thị phần, các nhà mạng đã cung cấp hàng loạt ưu đãi để người dùng tự do lựa chọn, thậm chí là tự do chuyển đổi giữa các nhà mạng để nhận ưu đãi. Tuy nhiên tới đây, người dùng sẽ phải có trách nhiệm cao hơn với mỗi hợp đồng mạng mình ký kết, nếu không muốn một ngày nào đó bị từ chối dịch vụ Internet.
Gia đình chị Bình vừa chuyển đến địa chỉ mới và lắp đặt đường truyền Internet cáp quang. "Khi chuyển nhà, tôi thường chọn một gói thuê bao mạng mới, được tặng modem nên tôi chỉ việc sử dụng và đóng tiền cước", chị Lê Thị Bình, quận Thanh Xuân, Hà Nội, chia sẻ.
Việc tặng modem và trọn bộ thiết bị trước đây nằm trong chiến lược kinh doanh của mọi nhà mạng nhằm thu hút khách hàng và hậu quả là nhiều người dùng ung dung dùng hết gói này lại chuyển gói mới khác mà không mất gì. Điều này đã tạo ra không ít rác thải điện tử và những cột điện quá tải những đường truyền cáp cũ.
Mạng Internet tốc độ cao là một nhu cầu thiết yếu trong cả công việc và đời sống đối với mỗi người hiện nay. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
"Những cái đôi dây thuê bao đang treo trên cột mà thuê bao lại chuyển sang nhà mạng khác thì những đôi dây ấy không được dùng lại, sẽ tạo ra một lượng rác rất nhiều trên các trụ cột điện", ông Nguyễn Phong Nhã, Phó cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết.
Hầu hết khách hàng khi chuyển đến địa chỉ mới sẽ bỏ lại những chiếc modem. Họ sẽ được cấp 1 modem mới, chỉ việc đóng cước là sử dụng. Tuy nhiên, điều này sẽ không xảy ra nữa, vì tới đây, các nhà mạng sẽ thu phí trên mỗi chiếc modem được lắp mới và với thuê bao còn nợ cước hay chưa hoàn thành nghĩa vụ với nhà mạng cũ sẽ không được cung cấp Internet.
Cục Viễn thông cho biết, cơ quan này phối hợp với các nhà mạng triển khai hệ thống liên thông dữ liệu. Chẳng hạn, khi một khách hàng đăng ký sử dụng Internet sẽ được nhà mạng kiểm tra "điểm tín nhiệm" xem còn nợ cước hay nghĩa vụ nào với nhà mạng khác hay không.
"Nợ cước 3 tháng thì dữ liệu sẽ được gửi về Cục Viễn thông và các nhà mạng cam kết nếu thuê bao nợ cước thì sẽ không phát triển, cung cấp thuê bao cáp quang", ông Nguyễn Phong Nhã, Phó cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, thông tin.
"Chúng tôi nghĩ rằng điều này sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm của người dùng với các hợp đồng đã ký kết với nhà cung cấp dịch vụ, tạo áp lực với nhà mạng, phải đưa ra các chiến lược kinh doanh bền vững, không chạy đua với việc lôi kéo khách hàng bằng mọi giá", ông Lê Mai Sơn, Phó trưởng ban Tuyên giáo - Truyền thông, MobiFone, đánh giá.
Cũng theo Cục Viễn thông, đây là một mô hình thí điểm, nếu thành công sẽ nhân rộng ra các dịch vụ viễn thông khác, từ đó nâng cáo trách nhiệm người dùng, nhà mạng, tối ưu hạ tầng mạng cũng như giảm đáng kể rác thải điện tử ra môi trường.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!