Làm sống lại di sản bằng công nghệ

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 23/11/2022 12:55 GMT+7

Mô phỏng cột đá chùa Dạm bằng công nghệ 3D (Ảnh: 3DART)

VTV.vn - Những không gian di tích, bối cảnh lịch sử, bảo vật, hiện vật đã được phục dựng lại bằng những công nghệ tiên tiến nhất.

Ngày 23/11 là Ngày Di sản Việt Nam. Làm sống lại di sản bằng công nghệ, khiến chúng trở nên hấp dẫn hơn với công chúng, giúp mang lại cái nhìn sống động về lịch sử cho thế hệ ngày hôm nay. Đây là xu thế và cũng là nỗ lực của một lớp người trẻ để thổi hồn cho những báu vật mà ông cha để lại.

Tháp lưu ly bằng sứ men trắng đặc trưng thời Lý đang được kiến trúc sư Đinh Việt Phương phỏng dựng từ việc kết hợp số hóa hiện vật và dữ liệu của lịch sử. Do không phải là một đơn vị chuyên về nghiên cứu, quá trình thực hiện những dự án như thế này luôn gặp khó khăn, nhất là khi những hiện vật gốc chỉ còn một phần.

''Việc đầu tiên là mình phải tiến hành scan 3D lại các hiện vật gốc và sau khi scan xong, mình sẽ sưu tập các cái tài liệu. Từ các tài liệu đó, phải kết nối với cái hiện vật gốc. Từ đó, mình sẽ đưa ra loại hình tháp và trên các cái đường nét của kiến trúc, mình dựng thêm là phần đáy thế nào, đỉnh bao nhiêu tầng... Thật sự trong quá trình dựng cũng có rất nhiều khó khăn. Khó khăn ở đây là các dữ liệu và việc tiếp cận dữ liệu'' - kiến trúc sư Đinh Việt Phương chia sẻ.

Xuất thân là một kiến trúc sư và hoàn toàn không được đào tạo về ngành khảo cổ, tuy nhiên, trong suốt 20 năm qua, bằng đam mê với di sản và công nghệ, anh Phương cùng các đồng nghiệp đã làm sống dậy nhiều di tích hay cổ vật từng biến mất. Đặc biệt, công nghệ 3D đã giúp phục dựng cột đá chùa Dạm (Bắc Ninh), công trình kiến trúc quan trọng bậc nhất còn sót lại từ thời Lý hay Hiển Lâm Các (Đại Nội Huế)...

Làm sống lại di sản bằng công nghệ - Ảnh 1.

Bản phục dựng 3D cột đá chùa Dạm (Ảnh: 3DART)

Kiến trúc sư Đinh Việt Phương cho biết: ''Đi tìm những giá trị xưa cũ thì bản chất là niềm đam mê của mình. Nhìn các cái giá trị của di sản Việt Nam ngày một mai một, mình luôn đau đáu một cái việc là làm thế nào để tạo ra được cái sản phẩm, các phương thức gìn giữ quảng bá giá trị của di sản. Một cái di sản muốn sống, muốn được gìn giữ thì di sản phải được sống đã. Tức là có thể được sử dụng, tạo ra sản phẩm phái sinh thì di sản ấy mới sống''.

Những tác phẩm phục dựng của 3DART đã xuất hiện trong nhiều bảo tàng, đưa những giá trị lịch sử hàng trăm, nghìn năm đến gần hơn với công chúng hôm nay .

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước