Mặt trái của livestream bán hàng

Duy Trọng - Phóng viên Đài THVN thường trú tại Trung Quốc-Thứ hai, ngày 21/10/2024 07:38 GMT+7

VTV.vn - Báo chí Trung Quốc đã có nhiều bài viết phản ánh mặt trái của bán hàng phát trực tiếp tại quốc gia này.

Ra đời từ năm 2016, đến nay, hình thức bán hàng phát trực tiếp, hay còn gọi là livestream bán hàng, đang ngày càng phổ biến và mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng tại Trung Quốc. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của mô hình này cũng kéo theo một số mặt trái, đặc biệt là tình trạng bán hàng hóa kém chất lượng và quảng cáo sai sự thật.

Với khối lượng giao dịch lên đến 4,9 nghìn tỷ Nhân dân tệ trong năm ngoái, bán hàng qua phát trực tiếp đã trở thành một trong những hình thức bán lẻ hàng đầu tại Trung Quốc. Nhưng đằng sau sự phát triển thần tốc này cũng tiềm ẩn không ít vấn đề cần chấn chỉnh.

Tờ Quang Minh Nhật báo chỉ ra nhiều vấn đề nổi cộm của livestream bán hàng, như việc tạo ra các kịch bản và câu chuyện sai lệch, làm giả số liệu bán hàng để tăng sức hút, tuyên truyền không đúng về hiệu quả của sản phẩm, mạo danh các thương hiệu nổi tiếng để bán hàng giả, hàng kém chất lượng... Bài viết cho rằng, những hành vi này không chỉ xâm phạm nghiêm trọng đến quyềín và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng mà còn tiềm ẩn nguy cơ đối với sự phát triển của nền kinh tế Internet.

Theo Nhật báo Hồ Nam, bán hàng qua phát trực tiếp liên quan đến nhiều bên như người phát sóng, công ty đại diện, doanh nghiệp và nền tảng phát sóng. Mỗi chủ thể này đều hướng tới tối đa hóa lợi ích, khiến quá trình lựa chọn sản phẩm, xác minh, tiêu thụ và dịch vụ sau bán hàng ít sự ràng buộc và trách nhiệm. Trong khi đó, ngưỡng tiếp cận đối với phát sóng trực tiếp hiện nay còn thấp, không ít người phát sóng là các cá nhân đơn lẻ, không có người đại diện hay đội nhóm làm việc nên không dễ để kiểm soát chất lượng sản phẩm.

Theo Nhật báo Bắc Kinh, để ngăn chặn hiệu quả tình trạng này, cần có cơ chế xử phạt nghiêm khắc hơn và hoàn thiện quy định pháp luật để làm rõ trách nhiệm pháp lý của người phát sóng, nền tảng và doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, đồng thời cần tăng cường cơ chế giám sát toàn diện, từ giám sát những người phát trực tiếp hàng đầu, giám sát chất lượng sản phẩm thông qua người tiêu dùng cho đến các nền tảng phát trực tiếp, xây dựng cơ chế kiểm duyệt hiệu quả để ngăn chặn tình trạng bán hàng không đạt chất lượng.

Trong khi đó, Mạng Thanh niên Trung Quốc cho rằng, ngoài việc giám sát và hoàn thiện quy định pháp luật, cần tăng cường kiểm soát chất lượng sản phẩm từ gốc bởi xét cho đến cùng, dù hàng hóa được bán ở vòng phát trực tiếp hay chợ truyền thống thì vấn đề chính vẫn là bản thân sản phẩm có đạt tiêu chuẩn hay không. Trang mạng này cho rằng, muốn chấm dứt tình trạng sản phẩm không đủ tiêu chuẩn thì điều đầu tiên cần phải xem xét là hàng hóa có nguồn gốc từ đâu và làm sao giám sát hiệu quả trước khi những sản phẩm này thâm nhập vào thị trường.

Livestream bán hàng ngày càng phát triển tại Trung Quốc Livestream bán hàng ngày càng phát triển tại Trung Quốc

VTV.vn - Trong bối cảnh thương mại điện tử và các ứng dụng video đang là xu hướng, giới trẻ Trung Quốc coi đây là cơ hội hấp dẫn trong giai đoạn kinh tế nhiều thách thức.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước