Một chiếc máy bay lai khinh khí cầu được phủ một lớp pin mặt trời khổng lồ chế tạo bởi Công ty Euro Airship đã ra mắt. Chiếc máy bay hình cá voi này dự kiến cất cánh năm 2026, thực hiện hành trình vòng quanh thế giới cả ngày lẫn đêm không nghỉ bằng việc tự tạo ra toàn bộ năng lượng và khí Hydro.
Mang tên Solar Airship One, chiếc máy bay lai khinh khí cầu đặt mục tiêu vào năm 2026 sẽ chở 3 thành viên phi hành đoàn đi hơn 40.000 km trong 20 ngày, duy trì độ cao trung bình 6.000 m, bay qua 25 quốc gia, 2 đại dương và nhiều vùng biển khác nhau trong vòng chưa đầy 4 tuần.
Với chiều dài 151 m, phương tiện đặc biệt này được thiết kế để hoạt động mà không cần nhiên liệu hóa thạch với mục tiêu tạo ra lượng khí thải carbon bằng 0. Để đạt được điều này, máy bay được trang bị vỏ bọc kép giúp ổn định áp suất bên ngoài và điều chỉnh nhiệt độ bên trong, cho phép chịu đựng được các điều kiện thời tiết đa dạng.
Sức mạnh của Solar Airship One đến từ một tấm phim năng lượng mặt trời bao phủ 4.800 m2 phần trên của máy bay. Lượng điện dư thừa được lưu trữ trong pin nhiên liệu tạo ra hydro thông qua quá trình điện phân nước.
Ông Mike Dwyer - đối tác phát triển dự án Solar Airship One, Capgemini - cho biết: "Trong quá khứ, chúng ta đã chứng kiến những phương tiện bay chạy bằng khí Heli hoặc khí Heli nổi. Nhưng bây giờ chúng tôi đang hướng tới một kỷ nguyên mới, nơi tác động của lượng khí thải bằng 0".
Các nhà phát triển dự định tăng tính độc lập cho máy bay bằng cách đảm bảo phương tiện không cần bất kỳ cơ sở hạ tầng cồng kềnh nào trên mặt đất. Nhằm giúp phương tiện ổn định, công ty sẽ phát triển hệ thống dằn sử dụng nước và hệ thống phụ trợ bằng khí nén.
Solar Airship One là kết quả của hơn 10 năm nghiên cứu và phát triển, cùng với 3 năm hợp tác thiết kế với 100 kỹ sư của Capgemini.
"Ban đầu, nó là một hệ thống thử nghiệm. Nhưng sau đó, theo thời gian, khi chúng tôi đã chứng minh được công nghệ, đặc biệt là bay được 40.000 km, cho thấy rằng công nghệ động cơ đẩy này thực sự có tính hữu ích" - ông Mike Dwyer chia sẻ.
Theo kế hoạch, đội bay sẽ liên lạc thường xuyên với các chính phủ, viện quốc tế và trường học ở các nước họ bay qua. Sau hành trình vòng quanh thế giới, công ty sẽ xin cấp phép hoạt động đầy đủ cho phương tiện.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!