Ngày 9/2, hãng phần mềm Microsoft cam kết sẽ đối xử công bằng với các nhà phát triển ứng dụng trên các cửa hàng ứng dụng của hãng. Đây được coi là động thái nhằm tìm kiếm sự ủng hộ từ các cơ quan chống độc quyền đang theo dõi sát sao thương vụ Mocrosoft mua lại hãng sản xuất trò chơi điện tử Activision Blizzard.
Chủ tịch Microsoft Brad Smith ngày 9/2 đã công bố "bộ nguyên tắc cửa hàng ứng dụng mở" áp dụng cho cửa hàng ứng dụng dành cho máy tính chạy hệ điều hành Windows và cho "các thị trường thế hệ tiếp theo mà Microsoft phát triển dành cho các trò chơi điện tử". Theo Chủ tịch Microsoft, việc phát triển bộ nguyên tắc trên một phần nhằm đáp ứng vai trò và trách nhiệm ngày càng lớn khi công ty này bắt đầu tiến trình vận động cơ quan chức năng các nước chấp thuận thương vụ mua lại Activision Blizzard. Ngoài ra, việc đối xử bình đẳng với tất cả các ứng dụng trong cửa hàng của Microsoft nhằm khuyến khích sự đổi mới và đầu tư nhiều hơn vào nội dung, đồng thời ít ràng buộc hơn về phân phối.
Thương vụ 69 tỷ USD Microsoft mua lại hãng sản xuất trò chơi điện tử Activision Blizzard cần sự chấp thuận của các cơ quan quản lý ở châu Âu và Mỹ. Các nhà phân tích cho rằng thỏa thuận mua lại Activision Blizzard của Microsoft chắc chắn sẽ được xem xét kỹ lưỡng, nhưng có thể sẽ gặp ít khó khăn hơn so với các thương vụ mua lại của Amazon, Google hay Meta (công ty mẹ của Facebook).
Microsoft dường như đang cố gắng tạo sự khác biệt với Apple và Google, những công ty bị cáo buộc kiểm soát chặt chẽ các cửa hàng ứng dụng và thu phí quá lớn từ doanh thu do các nhà phát triển ứng dụng mang lại. Điều này được thể hiện qua những điều khoản trong bộ nguyên tắc mới mà Microsoft vừa thông báo, trong đó có quy định cho phép tất cả các nhà phát triển có thể truy cập vào cửa hàng ứng dụng và không bắt buộc phải sử dụng hệ thống thanh toán của công ty để thực hiện các giao dịch trong ứng dụng.
Apple và Google là 2 công ty cung cấp hệ điều hành cho gần như tất cả điện thoại thông minh trên thế giới và cả hai đều tính phí đối với các giao dịch được thực hiện trên Apple Store và Google Play. Tháng 1/2022, Cơ quan giám sát người tiêu dùng Hà Lan đã phạt Apple 5 triệu euro (5,6 triệu USD) do không cho phép các nhà khai thác ứng dụng lựa chọn tùy chọn thanh toán khác ngoài hệ thống Apple Pay trong Apple Store. Trước đó, tháng 11/2021, một tòa án liên bang Mỹ cũng đã yêu cầu Apple nới lỏng kiểm soát các tùy chọn thanh toán trong Apple Store khi công ty Epic Games cáo buộc nhà sản xuất iPhone độc quyền hàng hóa và dịch vụ kỹ thuật số trên cửa hàng của họ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!