Mua sắm trực tuyến là lựa chọn của người tiêu dùng trong mùa lễ hội

Kiều Linh-Thứ tư, ngày 25/11/2020 15:56 GMT+7

Hình minh họa

VTV.vn - Rất nhiều người tiêu dùng chuyển đổi thói quen mua sắm, đi lại và lập kế hoạch du lịch vào dịp cuối năm nay do những lo ngại tăng cao về COVID-19.

Theo Nghiên cứu mới nhất của Viện giá trị doanh nghiệp IBM (IBV) về nhu cầu mua sắm mùa lễ hội của người tiêu dùng tại các quốc gia trên toàn cầu, 54% số người được khảo sát cho biết họ sẵn sàng thay đổi thói quen mua sắm trong kỳ nghỉ để giúp giảm tác động đến môi trường.

Hơn 12,500 người tại các châu lục Bắc Mỹ, Nam Mỹ, châu Âu, và châu Á đã tham gia khảo sát "Ở nhà mùa lễ hội" của IVB. Theo đó, năm nay, người tiêu dùng đã bắt đầu hoạt động mua sắm cho mùa lễ hội từ rất sớm chứ không chờ tới sát ngày như mọi năm. Bên cạnh đó, thay vì 60% mua sắm tại cửa hàng và gần 30% mua sắm thông qua thương mại điện tử, hai số liệu này đã hoán đổi vị trí cho nhau trong năm nay, vì sự gia tăng chưa có dấu hiệu dừng lại của các ca nhiễm COVID-19. 44% những người tham gia khảo sát cho biết họ không chỉ tìm kiếm những món hàng có giá hời mà còn xem xét tính bền vững của sản phẩm hoặc thương hiệu trước khi đi đến quyết định mua sắm.

Theo ông Jesus Mantas, Giám đốc Cấp cao, Nhóm Dịch vụ của IBM toàn cầu: "Doanh nghiệp cần phải sẵn sàng cung cấp nền tảng kỹ thuật số ưu tiên cá nhân hóa để thu hút khách hàng, cũng như nhanh chóng sử dụng các công nghệ như Đám mây và Trí tuệ nhân tạo để giúp doanh nghiệp xử lý các biến động về nhu cầu, quản lý chuỗi cung ứng trong thời gian gần thực, đồng thời tạo ra trải nghiệm tốt hơn để phục vụ người mua sắm trong dịp lễ hội cuối năm."

Mua sắm trực tuyến sẽ tiếp tục thống trị

Theo dự báo mới nhất của IBM cho mùa mua sắm cuối năm nay, dự kiến doanh số bán lẻ toàn cầu trong thời gian từ tháng 11 đến tháng 12 sẽ tăng 1,8% so với năm 2019. Và nghiên cứu khảo sát của IBV cho thấy, năm 2020 sẽ là mùa lễ hội mua sắm đầu tiên kỹ thuật số. Hơn 60% người tiêu dùng toàn cầu được khảo sát cho biết rằng họ có kế hoạch mua trực tuyến, giao hàng đến tận nhà hoặc các điểm đến khác, hoặc mua trực tuyến và nhận hàng tại cửa hàng.

Khi lựa chọn quà tặng, người tiêu dùng được khảo sát cho biết họ nghiêng về những sản phẩm mang tính trải nghiệm. Nhiều người cho biết họ sẽ chi tiêu nhiều hơn cho dịch vụ giải trí kỹ thuật số / phát trực tuyến (tăng 39% so với năm ngoái), đồ nội thất (tăng 33% so với năm ngoái), hàng điện tử (tăng 13% so với năm ngoái), hạng mục đồ chơi và trò chơi (tăng 9% hơn năm ngoái).

Người tiêu dùng lo ngại đại dịch COVID-19 sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch du lịch và nghỉ dưỡng

Theo nghiên cứu, lo ngại về đại dịch COVID-19 vẫn ở mức cao. Chỉ tính riêng tại Mỹ, 72% người tiêu dùng được khảo sát lo ngại về đợt bùng phát COVID-19 thứ hai vào cuối năm 2020, và 74% nói rằng đại dịch COVID-19 đã khiến họ quan tâm hơn đến sức khỏe và sự an toàn của gia đình.

Với những mối quan tâm hàng đầu, nhiều người tiêu dùng cho biết đã có những thay đổi đối với kế hoạch du lịch và thời gian nghỉ dưỡng trong mùa lễ này.

Hơn một nửa số người được khảo sát thường đi du lịch trong các kỳ nghỉ cho biết họ dự định đi du lịch ít hơn vào dịp cuối năm này; 22% được khảo sát vẫn chưa quyết định về kế hoạch du lịch.

Một thực tế khác là những người tham gia khảo sát đã nghỉ phép nhiều ngày hơn tính tới thời điểm này năm ngoái và cho biết COVID-19 là lý do chính để họ phải nghỉ phép trong năm, bao gồm cả việc chăm sóc gia đình và bản thân.

Trên toàn cầu, một phần ba số người được khảo sát cho biết họ đã phải đối mặt với những khó khăn trong công việc, khiến họ không thể xin nghỉ phép trong thời gian còn lại của năm. Quá nhiều công việc còn tồn đọng do thời gian nghỉ dịch kéo dài, hoặc các hạn chế đi lại do các đơn vị sử dụng lao động đưa ra, khiến những người tham gia khảo sát phải đắn đo kỹ lưỡng về kế hoạch nghỉ dưỡng của bản thân và gia đình.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và  VTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước