Ngay cả khi đã bị dập tắt, những điếu thuốc lá vẫn gây hại!

P.L-Thứ năm, ngày 06/02/2020 17:52 GMT+7

Không chỉ thuốc đang cháy mà khi điếu thuốc đã bị dập tắt cũng gây hại cho những người xung quanh

VTV.vn - Kết quả nghiên cứu mới đây cho thấy những điếu thuốc dù đã bị dập tắt vẫn tiếp tục phát ra các hợp chất có hại trong không khí.

Thuốc lá không chỉ độc hại khi có người hút thuốc. Nghiên cứu mới đây đã phát hiện ra rằng, ngay cả khi những mẩu thuốc đã bị nghiền nát và dập tắt, chúng vẫn tiếp tục phát ra các hợp chất có hại trong không khí.

Các nhà khoa học cho biết, chỉ trong 24 giờ đầu tiên, một điếu thuốc lá đã qua sử dụng sẽ tạo ra 14% lượng Nicotine mà một điếu thuốc đang được đốt sinh ra. Và lượng khí thải ra trong không khí không dừng lại ở đó.

Trong khi hầu hết các hóa chất từ điều thuốc được giải phóng trong vòng một ngày sau khi bị dập tắt, một phân tích của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cho thấy, nồng độ Nicotine và Triacetin - chất làm dẻo trong các bộ lọc thuốc lá - đã giảm chỉ sau nửa ngày sau đó.

"Tôi hoàn toàn bất ngờ" - kỹ sư môi trường Dustin Poppendieck từ Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia Hoa Kỳ (NIST) cho biết - "Những con số rất đáng kể và có thể có tác động quan trọng khi xét đến trường hợp tàn thuốc được xử lý trong nhà hoặc trong xe hơi".

Để đo lượng khí thải từ tàn dư bị lãng quên từ những điếu thuốc đã bị dập tắt, Poppendieck và nhóm của ông đã đặt 2.100 điếu thuốc mới được dập tắt trong phòng thử nghiệm môi trường làm bằng thép không gỉ.

Tất nhiên, các nhà nghiên cứu không hút tất cả những thứ này. Thay vào đó, nhóm nghiên cứu đã chế tạo một cỗ máy "hút" 6 lần ở mỗi điếu thuốc, mô phỏng hành vi của con người trong thực tế qua các chuyển động giống như robot.

Sau khi các đầu thuốc bị dập tắt mới được niêm phong, nhóm nghiên cứu đã đo được 8 loại hóa chất thường được phát ra từ thuốc lá, 4 trong số đó được FDA xác nhận là có hại hoặc có khả năng gây hại.

Triacetin không phải là một trong những chất nguy hiểm, tuy nhiên, vì chất này rất phổ biến trong các bộ lọc thuốc lá và không bay hơi dễ dàng, đó là một minh chứng rõ ràng cho việc các hóa chất kết dính bị phân hủy.

Thay đổi nhiệt độ, độ ẩm và độ bão hòa của phòng thử nghiệm, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra mức độ phát thải thay đổi trong những điều kiện nhất định. Chẳng hạn, khi nhiệt độ không khí trong phòng cao hơn, họ nhận thấy những mẩu thuốc lá phát ra các hóa chất với tốc độ cao hơn.

Nói cách khác, để mặc gạt tàn thuốc trong nhiều ngày liền, đặc biệt là trong thời tiết nóng dường như là một ý tưởng tồi và có khả năng khiến những người hút thuốc và những người không hút thuốc tiếp xúc với nhiều hóa chất độc hại hơn chúng ta nghĩ.

Các nhà nghiên cứu kết luận, khối lượng Nicotine phát ra từ điếu thuốc đã bị dập tắt trên 5 ngày có thể tương đương với khối lượng Nicotine phát ra từ khói thuốc, đặc biệt là ở nhiệt độ cao hơn.

Những phát hiện này bị hạn chế vì chúng chỉ mới được thực hiện trên một số nhãn hiệu thuốc lá hàng đầu và có rất ít nghiên cứu khác để so sánh. Tuy nhiên, nếu các con số là chính xác, điều đó có nghĩa là chúng ta đã bỏ qua một yếu tố lớn của việc hút thuốc lá, đó là xử lý những điếu thuốc đã bị dập tắt.

Ngày nay, người ta ước tính rằng hơn 5 nghìn tỷ điếu thuốc được sản xuất trên toàn thế giới mỗi năm và phần nhiều trong số đó không được dập tắt hoàn toàn hoặc vứt đi đúng cách, gây ô nhiễm mặt đất vì tàn thuốc lá không thể phân hủy được.

"Bạn có thể nghĩ rằng, bằng cách không bao giờ hút thuốc trong xe hơi khi có trẻ em, bạn đang bảo vệ những người không hút thuốc hoặc trẻ em xung quanh bạn" - Poppendieck nói - "Nhưng nếu cái gạt tàn trong chiếc xe hơi của bạn chứa đầy tàn thuốc và phát ra các hóa chất, những người xung quanh vẫn bị ảnh hưởng".

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước