Gần 1 tháng từ ngày Hà Nội nới lỏng giãn cách, cho phép một số loại hình dịch vụ, cửa hàng hoạt động trở lại với các quy định nghiêm ngặt về phòng chống dịch, trong đó đặc biệt là yêu cầu quét mã QR, nhằm truy vấn dữ liệu liên quan khi có các ca nghi nhiễm.
Trên một số tuyến phố lớn của Hà Nội, có thể thấy các cửa hàng kinh doanh, quán ăn, shop thời trang… đều đã niêm yết mã QR địa điểm để khách hàng quét mã. Theo phản hồi của chủ một số cơ sở kinh doanh, việc tạo mã địa điểm khá dễ dàng theo hướng dẫn của Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia.
Nhiều cửa hàng kinh doanh đã chấp hành tốt quy định dán mã QR (Ảnh: Báo Tin tức)
Bà Kim Giao, 68 tuổi ở Ngọc Hà, thường xuyên phải tự mình đi chợ nên dù trước kia bà chỉ dùng điện thoại "cục gạch", các con bà gần đây đã đưa một chiếc smartphone để bà chuyên dùng cho việc quét mã QR. Dù đi siêu thị hay đến các điểm có yêu cầu quét mã, bà đều lấy smartphone ra quét. Bà Giao cho biết, bà thường xuyên theo dõi tin tức truyền hình về tình hình dịch bệnh và hiểu rằng, việc quét mã QR này là cần thiết cho việc phòng chống, dịch nên bà thực hiện nghiêm túc và không thấy phiền gì.
Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn nhiều cửa hàng ngại nhắc khách quét QR hay nhiều khách hàng không muốn quét khi vào nơi công công.
"Trong một hai ngày đầu, khách chưa quen nên nhân viên cửa hàng mình phải phải nhắc liên tục, có một vài người tỏ ra không thoải mái lắm. Nhưng hiện tại, lượng khách ra vào mỗi ngày tại mỗi cửa hàng của mình khoảng hơn chục người, hầu như đều đã quen với việc tự giác quét mã. Chưa nhìn thấy vị trí quét, họ còn chủ động hỏi" - chị Quế Trà, chủ sở hữu cửa hàng quần áo trên phố Phạm Ngọc Thạch, cho biết.
Ông Hoàng Đình Tuấn, thành viên Trung tâm Công nghệ phòng, chống COVID-19 quốc gia cho biết, thông qua hệ thống dashboad, trung tâm công nghệ có thể ngay lập tức biết được địa điểm nào làm tốt, địa điểm làm chưa làm tốt việc thực hiện kiểm soát vào ra bằng mã QR. Trong thời gian tới, trung tâm sẽ phối hợp cùng với Hà Nội để tiến hành hậu kiểm những nơi yếu kém, để từ đó đưa ra những biện pháp điều chỉnh phù hợp.
Người dân tại Hà Nội đã quen với việc phải quét mã QR Code khi vào các địa điểm công cộng, cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ sở dịch vụ... (Ảnh: Báo Tin tức)
Theo Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia, trong giai đoạn bắt đầu mở cửa sau giãn cách, mỗi ngày, Hà Nội có hơn 20.000 địa điểm được tạo mã QR, 90.000 địa điểm có mã QR hoạt động thường xuyên.
Trong một vài tuần trở lại đây, số ca mắc mới COVID-19 tại Hà Nội theo công bố của CDC đã giảm rất sâu, mỗi ngày chỉ 1 vài ca đã được cách ly. Một vài ổ dịch nhỏ như tại bệnh viện Việt Đức, phường La Khê, phường Kiến Hưng… đều đã lập tức được khoanh vùng, dập dịch nhanh chóng. Thành quả này có được một phần nhờ vào quá trình truy vết dữ liệu từ việc quét mã QR.
Tính đến ngày 11/10, toàn quốc có 2.229.990 địa điểm đăng ký quét QR, trong đó có 200.000 địa điểm hoạt động thường xuyên và mỗi ngày có khoảng 500 nghìn người thực hiện quét QR và tổng số lượt quét là 76.423.859.
Mỗi người dân được cấp một mã QR cá nhân duy nhất và được tạo trên ứng dụng PC-Covid Quốc gia. Khi vào, ra các cơ quan tổ chức chốt kiểm dịch, bệnh viện, địa điểm công cộng…, người dân phải quét mã QR.
Thông qua mã QR đã quét tại các địa điểm, tổ chức có thẩm quyền có thể truy vấn dữ liệu liên quan phục vụ công tác phòng, chống dịch trong trường hợp phát sinh các ca nghi nhiễm. Từ đó nhanh chóng xác định nguy cơ lây nhiễm và khuyến cáo cho người dân, cũng như chủ địa điểm có xuất hiện ca nghi nhiễm, xử lý kịp thời ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.
Chia sẻ về triết lý của chiến lược sẵn sàng cho việc sống chung cùng COVID-19, ông Nguyễn Tử Quảng, Kiến trúc sư trưởng của Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia, cho biết: "Khi một ca F0 vừa xuất hiện, ổ dịch khi đó chỉ mới vài ca cho đến vài chục ca, như các đốm lửa nhỏ. Mấu chốt của vấn đề sống chung với COVID là chúng ta cần lập tức phát hiện ra các ca F0 chỉ điểm để truy vết, gom triệt để các F1, F2, không để các đốm lửa nhỏ bùng lên thành đám cháy lớn. Nền tảng truy vết F0 giúp chúng ta làm được điều đó. Và như vậy, giải pháp 5K+Vaccine+Công nghệ sẽ giúp Việt Nam có được cuộc sống bình thường mới".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!