Tại thời điểm này, những con số về nhân khẩu học của Việt Nam được coi là đẹp nhất với lượng người tiêu dùng trẻ và thuộc tầng lớp trung lưu lớn. Tỷ lệ sở hữu điện thoại thông minh cao lên tới 72%, có mức tiêu thụ phương tiện truyền thông trực tuyến và thói quen chơi game di động cao. Điển hình, người Việt xem video clip và nghe nhạc trên điện thoại chiếm 69%.
Sự gia tăng nhanh chóng về tỉ lệ sở hữu điện thoại và hành vi lên mạng bằng điện thoại (68%) khẳng định thị trường di động đầy màu mỡ, là mảnh đất rộng lớn cho các doanh nghiệp tiếp tục khai thác.
25% những người sở hữu điện thoại thông minh sử dụng internet trên di động thường xuyên, thực hiện nhiều tác vụ, dịch vụ khác nhau khiến điện thoại di động không chỉ là công cụ giao tiếp, nó đang trở thành công cụ làm việc chính thức của nhiều người. Điều đó cũng có nghĩa, hơn 70% người dân sở hữu điện thoại thông minh nhưng không sử dụng hết các tiện ích mà điện thoại thông minh mang lại. Bên cạnh đó, việc sử dụng nhiều màn hình một lúc cũng là thói quen mới của người Việt với bình quân là 1,7 thiết bị/ người.
Người Việt Nam sẵn sàng trải nghiệm ứng dụng mới với con số trung bình 5 ứng dụng một tháng. Tuy vậy, Việt Nam cũng là nước có tỉ lệ gỡ cài đặt ứng dụng nhiều nhất khu vực Châu Á – Thái Bình Dương với việc xóa 3 ứng dụng một tháng. Thực tế đó đặt ra nhiều thách thức giữ chân người dùng lâu dài cho các nhà phát triển.
Điện thoại di động đứng danh sách những điều thân thiết nhất của người Việt bởi phần lớn, người Việt kiểm tra điện thoại của mình ngay khi họ tỉnh dậy, và tiếp tục sử dụng nó với thời gian trung bình 2 tiếng một ngày. Bên cạnh đó, 82% người Việt sẵn sàng cho đi thông tin cá nhân để đổi lại quà miễn phí. Các nhãn hàng hoàn toàn có thể chạm tới người dùng với quảng cáo, quà tặng hay vật phẩm qua ứng dụng di động..
Người Việt Nam tìm hiểu về sản phẩm trên điện thoại và hoàn tất mua hàng trên máy tính
72% tổng số lượt truy cập các trang thương mại điện tử xuất phát từ điện thoại thông minh. 53% các giao dịch mua hàng trực tuyến thực hiện qua điện thoại. Mặc dù tỉ lệ truy cập từ điện thoại di động của Việt Nam rất thấp nhưng thương mại điện tử trên điện thoại di động lại có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong một năm. Thanh toán điện tử ước tính đạt 6.4 tỉ USD, đạt mức tăng trưởng 22%/năm.
Với tính chất là một xã hội dùng tiền mặt, 46% người Việt được hỏi trả lời rằng họ không có tài khoản ngân hàng, luôn lo lắng về việc lộ thông tin bảo mật thẻ thanh toán. Vì vậy 88% giao dịch thương mại điện tử vẫn là thanh toán tiền mặt khi giao hàng.
Công nghệ tài chính trên thiết bị di động còn khá non trẻ. Điều đó đưa đến thách thức giáo dục người tiêu dùng mở tài khoản ngân hàng, sử dụng thẻ thanh toán và lấy được lòng tin người tiêu dùng với dịch vụ thanh toán trực tuyến.
Thể thao điện tử trên thiết bị di động trở thành ngôi sao mới
Mặc dù số lượt tải trò chơi về có dấu hiệu chững lại cảnh báo sự bão hòa của thị trường nhưng doanh thu tăng trưởng mạnh trong sáu tháng đầu năm. Điều này cho thấy người dùng đã sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho việc mua vật phẩm trong trò chơi. Đây là cơ hội lớn cho các nhà phát hành đào sâu hơn vào ví của người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, thể thao điện tử trên thiết bị di động đang thể hiện sức mạnh của nó, thu hút lượng lớn người xem và số tiền tài trợ khổng lồ. Với sự xuất hiện của đội tuyển thể thao điện tử Việt Nam tại kì vận hội Châu Á 2018 tại Indonesia, cùng sự tăng trưởng của dòng game sinh tồn sẽ thu hút rất nhiều lượt xem, điều đó sẽ tạo kết quả tích cực cho mọi bên tham gia vào thể thao điện tử.
Doanh nghiệp chi trả cho quảng cáo trên điện thoại di động sẽ tăng lên 220 triệu USD
Thị trường quảng cáo trên điện thoại di động ở Việt Nam là rất nhỏ so với các quốc gia trong khu vực nhưng các nhà nghiên cứu nhận định các doanh nghiệp sẽ chi trả cho quảng cáo trên điện thoại di động sẽ tăng nhanh. Nếu năm 2017, chi phí cho quảng cáo trên di động là 78 triệu USD thì năm 2020 được dự báo tăng lên 200 triệu USD.
Mặt khác, mặc dù là một trong các quốc gia tăng trưởng mạnh, chỉ số CPI (chi phí trên một lượt cài đặt) ở Việt Nam ở mức rất thấp. Điều đó giúp các nhà phát hành kiếm người dùng với chi phí tiết kiệm hơn rất nhiều so với các thị trường khác. Đánh giá về những số liệu mới nhất của thị trường, ông Đặng Thái Sơn – giám đốc Marketing Appota cho biết: "Thị trường ứng dụng di động ngày càng rộng mở, tạo nên sân chơi đa dạng, nhiều cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp lớn nhỏ. Hệ sinh thái di động có xu hướng chặt chẽ hơn mang đến một cơ sở vững chắc thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam phát triển".