Các sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc cấm giao dịch với các ứng dụng TikTok và WeChat kể từ ngày 20/9 đang tiếp tục được giới công nghệ toàn cầu quan tâm đặc biệt. Nhưng so với TikTok, lệnh cấm dành cho WeChat lại đang được đánh giá là có thể gây ra nhiều vấn đề lớn hơn cho giới công nghệ toàn cầu.
Ngay sau khi lệnh cấm được đưa ra, cổ phiếu hãng công nghệ Tencent, công ty mẹ của WeChat, đã liên tục đi xuống, thổi bay 66 tỷ USD vốn hóa chỉ trong vòng 2 ngày, cho thấy mối lo ngại của giới đầu tư.
Tuy nhiên, khi nhìn rộng hơn, không chỉ bản thân Tencent mà hệ sinh thái công nghệ bao quanh tập đoàn này cũng có thể chịu thiệt hại đáng kể. Hiện là một trong những công ty lớn nhất thế giới về trò chơi điện tử, Tencent có mối quan hệ đối tác với một loạt tên tuổi trong lĩnh vực trò chơi và giải trí như Epic Games hay Universal Music.
Tencent hiện là một trong những công ty lớn nhất thế giới về game
Những năm gần đây, hãng còn được mệnh danh là "Softbank của Trung Quốc" nhờ việc rót vốn vào các start-up quốc tế. Snap, Tesla hay Lyft chỉ là một vài trong những cái tên đình đám đã từng nhận hàng tỷ USD từ tập đoàn của Trung Quốc. Thậm chí, tính trong năm nay, số khoản đầu tư của Tencent còn lớn hơn chính Softbank.
Ông Arun Sundararajan - Giáo sư Trường Kinh doanh Stern, Đại học New York (Mỹ) cho rằng: "Tencent có lẽ là nhà đầu tư quyền lực nhất tại Trung Quốc hiện nay. Bằng việc nhắm vào một thương hiệu của Tencent, chính quyền Mỹ có thể giáng một đòn mạnh vào tham vọng toàn cầu của công ty này và ngăn chặn mong muốn của họ trong việc hợp tác với các công ty Mỹ. Không chỉ Tencent hay các công ty có liên quan, mà theo CNN, đối thủ hàng đầu của họ tại Trung Quốc là Alibaba cũng có thể phải dè chừng lệnh cấm này".
So với ByteDance hay Huawei, Alibaba chưa có nhiều bước đi thâm nhập thị trường Mỹ. Nhưng việc đang là tên tuổi công nghệ hàng đầu Trung Quốc đã đủ để công ty này rơi vào tầm ngắm. Những ngôn ngữ mơ hồ trong các lệnh cấm cũng cho thấy, Washington có khả năng sẽ quăng mẻ lưới lớn hơn trong thời gian tới.
Ông Alex Capri - Giáo sư Đại học Quốc gia Singapore - cho biết: "Chúng ta đang chứng kiến một sự thay đổi mang tính căn bản. Bằng việc tăng cường các cáo buộc nhằm vào giới công nghệ Trung Quốc, chính quyền Mỹ đang cho thấy mục tiêu muốn chia tách ngành công nghệ toàn cầu".
Sau lệnh cấm, Tencent đã đưa ra trấn an rằng, tập đoàn này chỉ tập trung vào WeChat chứ không ảnh hưởng đến các mảng kinh doanh khác tại Mỹ. Tuy nhiên, viễn cảnh một "bức tường lửa" công nghệ được dựng lên tại Mỹ vẫn đủ làm e ngại bất cứ công ty công nghệ nào.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!